Mạo danh Facebook của người khác: Cần quyết liệt xử lý để ngăn chặn hậu quả khôn lường

0
311

Thời gian gần đây xuất hiện không ít trường hợp mạo danh facebook của người khác để đưa thông tin lên mạng, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Tuy nhiên vi phạm đó rất ít bị xử lý, khiến người dân bức xúc. Vậy việc mạo danh facebook của người khác đã có chế tài xử lý chưa? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Báo Nông Thôn Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội xung quanh nội dung này.

Luật sư Hà nhận xét:
Công nghệ thông tin phát triển đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đối với cơ quan nhà nước, việc ứng dụng CNTT đã nâng cao hiệu quả hoạt động, lãnh đạo chỉ đạo điều hành; thông qua ứng dụng CNTT người dân thực hiện các giao dịch được thuận lợi, nhanh chóng hơn…Nhiều đồng chí lãnh đạo đã lập facebook cá nhân, Fanpage … qua đó người dân bày tỏ được vướng mắc của mình đến lãnh đạo, công việc được giải quyết nhanh hơn; lãnh đạo cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hành động điều chính, xử lý…
Tuy nhiên đã có không ít trường hợp mạo danh facebook của người khác để đưa thông tin lên mạng. Thậm chí có kẻ lợi dụng mạo danh facebook của người khác đưa thông tin lên mạng với ý đồ xấu, mục đích không lành mạnh…khiến nhiều người bị mắc lừa, mất tài sản…ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người chủ đích thực của tài khoản Facebook. Và điều này sẽ trở lên nguy hiểm hơn, nghiêm trọng hơn hơn nếu facebook mạo danh đó là tên các đồng chí lãnh đạo…
Như vậy việc mạo danh facebook của người khác sẽ có rất nhiều hệ lụy. Hành mạo danh đó bị pháp luật xử lý thế nào, thưa luật sư?
Pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó; .cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân,…
Khoản 1, Điều 77, Luật Công nghệ thông tin quy định: “Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm đ, Khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng . Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm
Về xử lý hình sự: Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người giả mạo facebook cùa người khác có thể bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năn 2009.
Chẳng hạn, nếu dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành “tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa đến 03 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS, hình phạt tối đa đến 07 năm tù; hoặc “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS…
Để không bị mắc lừa kẻ xấu và ngăn chặn tình trạng mạo danh facebook, theo luật sư cần có giải pháp gì?
Chế tài xử lý hành vi mạo danh facebook của người khác đã có, vi phạm xảy ra cũng không ít, nhưng dường như chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, nên rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý. Để hạn chế việc giả mạo trang thông tin điện tử của người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm. Nếu không sẽ gây lên hỗn loạn thông tin, dẫn đến bất ổn xã hội và hậu quả lúc đó sé khôn lường. Tôi cho rằng chế tài xử phạt hành chính cho hành vi vi phạm này là quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Do đó cần xử phạt nặng hơn nữa
Về phía chủ tài khoản Facebook cần có biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm. Người sử dụng Internet cũng cần phải tỉnh táo để phân biệt thật, giả để tránh mắc lừa kẻ xấu.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)