Một số câu hỏi liên quan đến Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

0
2963

Câu 1: CISG là gì?

CISG là chữ viét tắt theo tiếng Anh của Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Convention on Contracts for the International Sale of Goods). CISG được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước này được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 04 năm 1980 (nên còn được gọi là Công ước Viên 1980) và có hiệu lực từ ngày 01/01/1988.

Câu 2: Mục tiêu, vai trò của CISG trong thương mại quốc tế?

Mục tiêu của CISG:

  • Thống nhất luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
  • Giảm xung đột pháp luật thông qua việc thống nhất luật nội dung, hạn chế tranh chấp phát sinh.
  • Tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa các quốc gia.

Vai trò của CISG:

  • Điều chỉnh các giao dịch chiếm đến ba phần tư thương mại hàng hóa thế giới.
  • Có ít nhất 2500 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó Tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết.
  • Có 74 quốc gia thành viên. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới (Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Úc, …) đã tham gia CISG.
  • Là tiền đề và là nguồn tham khả quan trọng của Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Các nguyên tắc của Luật hợp đồng Châu Âu (PECL)
  • Là nguồn tham khảo quan trọng của luật thương mại hợp đồng của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Câu 3: Các nội dung chính của CISG

CISG gồm 101 Điều, được chia thành 4 phần với các nội dung chính sau:

  • Phần 1: Phạm vi áp dụng và các quy định chung(Điều 1 – Điều 13). Phần này quy định trường hợp nào CISG được áp dụng, đồng thời nêu rõ nguyên tắc trong áp dụng CISG, nguyên tắc diễn giai các tuyên bố, hành vi và xử sự của các bên, nguyên tắc tự do về hình thức của hợp đồng.
  • Phần 2: Thành lập hợp đồng(trình tự, thủ tục kí kết HĐ) (Điều 14 – Điều 24): Trong phần này, Công ước quy định chi tiết các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
  • Phần 3: Mua bán hàng hóa (Điều 25 – Điều 88): Phần này quy định các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện HĐ như quyền và nghĩa vụ của Người Bán và Người Mua, trách nhiệm các bên khi không thực hiện đúng hợp đồng, vấn đề bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, miễn trách, …
  • Phần 4: Các quy định cuối cùng (Điều 89 – Điều 101): Phần này quy định về các thủ tục để các quốc gia kí kết, phê chuẩn, gia nhập Công ước, các bảo lưu có thể áp dụng, thời điểm Công ước có hiệu lực và một số vấn đề thủ tục khác.

Câu 4: CISG quy định thế nào về ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa?

Chào hàng (Điều 14 – Điều 17)

Điều 14 CISG định nghĩa chào hàng là một lời đề nghị kí kết hợp đồng, được gửi đến một hay một số người cụ thể, trong đó xác định và miêu tả đầy đủ về hàng hóa, số lượng, giá cả.

Ngoài ra, CISG còn quy định hiệu lực của chào hàng, thu hồi và hủy bỏ chào hàng.

Chấp nhận chào hàng (Điều 18 – Điều 24)

CISG quy định chấp nhận chào hàng là sự chấp nhận toàn bộ nội dung của chào hàng. Bất kì sự thay đổi, bổ sung nào với chào hàng ban đầu đều được xem như sự từ chối chào hàng và cấu thành chào hàng mới, trừ phi các nội dung mới không làm thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng ban đầu

Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả, thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng, đến phạm vi trách nhiệm của các ben hay đến việc giải quyết tranh chấp đều được coi là biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng.

Ngoài ra, CISG có quy định về thời hạn để chấp nhận, chấp nhận muộn, kéo dài thời hạn chấp nhận, thu hồi chấp nhận chào hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

Câu 5: Nghĩa vụ của Người Bán theo CISG

Theo CISG, Người Bán có những nghĩa vụ sau đây (Điều 30 – Điều 44):

Nghĩa vụ giao hàng: Người Bán phải giao hàng đúng thời hạn và địa điểm theo quy định của hợp đồng (hoặc của CISG nếu hợp đồng không quy định). Hàng giao phải phù hợp với các yêu cầu về số lượng, phẩm chất như quy định trong hợp đồng.

Nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hóa: Người Bán có nghĩa vụ phải giao các chứng từ liên quan đến hàng hóa đúng thời hạn, đúng địa điểm và đúng hình thức như quy định trong hợp đồng.

Nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa.

Câu 6: Nghĩa vụ của Người Mua theo CISG

Theo CISG, Người Mua có những nghĩa vụ sau đây (Điều 53 – Điều 60):

-Nghĩa vụ thanh toán tiền hàng: Người Mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng, bao gồm các việc áp dụng các biện pháp tuân thủ mà hợp đồng hoặc luật lệ đòi hỏi để có thể thực hiện được thanh toán tiền hàng. Tiền hàng phải được trả theo đúng thời hạn và tại địa điểm do hợp đồng hoặc do CISG quy định.

– Nghĩa vụ nhận hàng: Người Mua có nghĩa vụ nhận hàng. Nghĩa vụ này không chỉ là việc tiếp nhận hàng hóa mà còn bao gồm việc thực hiện các hành vi để tạo điều kiện cho Người Bán giao hàng.

Câu 7: Khi Người Bán vi phạm hợp đồng, Người Mua có thể áp dụng những biện pháp gì?

-Yêu cầu Người Bán thực hiện nghĩa vụ, sửa chữa hay thay thế hàng hóa không phù hợp;

– Gia hạn một thời hạn bổ sung hợp lý để Người Bán thực hiện nghĩa vụ;

– Yêu cầu giảm giá hàng;

– Đòi bồi thường thiệt hại theo các quy định tại các điều từ 74 đến 77;

– Hủy hợp đồng, nếu vi phạm của Người Bán là vi phạm cơ bản hoặc khi Người Bán vẫn tiếp tục vi phạm khi hết thời hạn bổ sung (về khái niệm vi phạm cơ bản: xem điều 25).

Câu 8: Khi Người Mua vi phạm hợp đồng, Người Bán có thể áp dụng những biện pháp gì?

-Yêu cầu Người Mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán/nhận hàng;

– Gia hạn một thời hạn bổ sung hợp lý để Người Mua thanh toán/nhận hàng;

– Đòi bồi thường thiệt hại theo các quy định tại các điều từ 74 đến 77;

– Hủy hợp đồng, nếu vi phạm của Người Mua là vi phạm cơ bản hoặc khi Người Mua vẫn tiếp tục vi phạm khi hết thời hạn bổ sung.

Câu 9: Trường hợp nào CISG được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?

CISG được áp dụng cho HĐ mua bán hàng hóa quốc tế:

-Khi các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia là thành viên của CISG; hoặc

– Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên CISG; hoặc

– Khi các bên lựa chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng của mình; hoặc

– Khi cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn CISG làm luật áp dụng.

Khi Việt Nam chưa gia nhập CISG thì CISG có thể được áp dụng cho HĐ mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là doanh nghiệp Việt Nam theo các trường hợp thứ 2, thứ 3 và thứ 4 ở trên.

Câu 10: Trường hợp nào không áp dụng CISG? 

CISG không áp dụng vào việc mua bán:

-Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ;

– Bán đấu giá;

– Ðể thi hành luật hoặc văn kiện uỷ thác khác theo luật;

– Các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán đầu tư, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ;

– Tàu thủy, máy bay và các chạy trên đệm không khí;

– Ðiện năng.

Câu 11: Việt Nam đã gia nhập CISG chưa?

Ngày 18/12/2015 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc để trở thành viên thứ 84 của Công ước này.

Việc gia nhập CISG đã đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế và cho các doanh nghiệp việt nam một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.