Mua bán kỳ nghỉ tại Việt Nam: Rủi ro từ khoảng trống pháp lý

0
505

Sở hữu kỳ nghỉ (Timeshare) là hình thức kinh doanh bất động sản đã có từ lâu trên thế giới. Tại Việt Nam, dù xuất hiện vào năm 2009 nhưng đến nay mô hình này vẫn khá lạ, thậm chí còn làm phát sinh không ít vấn đề trong các giao dịch. Ngoài việc chưa có sự hiểu đúng và xác định đúng bản chất thật của mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” hoạt động mua bán mô hình này còn đang diễn ra trong những “khoảng trống” pháp lý.

Mô hình Timeshare

Timeshare dịch theo tiếng Việt có nghĩa là “sở hữu kỳ nghỉ”. Thuật ngữ này khá phổ biến trên thế giới. Khoảng 50 năm trước, hình thức timeshare lần đầu tiên xuất hiện với việc chia sẻ quyền sử dụng chiếc máy tính của hãng IBM –  một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ máy tính đa quốc gia và có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ.

Hình thức này giúp cho các doanh nghiệp có thể sở hữu và sử dụng được cỗ máy khổng lồ của mình trong một khoảng thời gian nào đó mà không tốn nhiều chi phí. Timeshare được ra đời với ý nghĩa nhằm chia sẻ thời gian sử dụng sản phẩm với người khác.

Sau này, ý tưởng về “chia sẻ thời gian” được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và resort nghỉ dưỡng. Ngành công nghiệp du lịch nghỉ dưỡng timeshare có nguồn gốc ra đời ở Châu Âu trong những năm 1960. Pháp và Thuỵ Sĩ được coi là những nơi xuất hiện loại hình dịch vụ timeshare cho khách du lịch đầu tiên.

Những “khoảng trống” pháp lý

Nhiều nước trên thế giới đến nay đều đưa ra các quy định riêng cho mô hình này. Nhiều nước đã có luật riêng như Anh và một số bang của Mỹ. Nhiều nước ở châu Âu thì cũng đưa ra các bản quy định mang tính hướng dẫn cho mô hình riêng biệt này. Một số quốc gia khác thì đã tiếp cận theo hướng bổ sung các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong timeshare hay là vận dụng nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh công bằng để xử lý vấn đề.

Tại Việt Nam, do loại hình mới nên khi ra đời đã xuất hiện nhiều khoảng trống pháp lý. Nguy hiểm nhất là có một khoảng trống pháp lý phục vụ quản lý nhà nước cũng như để bảo vệ bên yếu thế trong các giao dịch timeshare. Không thể để cho một tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua một doanh nghiệp Việt Nam huy động tiền của hàng ngàn thậm chí hàng vạn người mà thiếu sự bảo vệ của pháp luật. Cụ thể, nếu có thể viện dẫn thì hai văn bản liên quan là Luật Thương mại và Luật Du lịch. Nhưng hiện nay cả hai văn bản này đều bỏ trống cho mô hình này. Quy định về cung ứng dịch vụ trong Luật Thương mại cho đến thời điểm hiện nay chỉ có thể áp dụng đối với các giao dịch cung ứng dịch vụ lần đầu, còn giao dịch “bán lạị” kỳ nghỉ (hay là cung ứng lại dịch vụ) vẫn chưa được dự liệu. Thậm chí, ngay cả Luật Du lịch mới vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6 vừa qua thì sở hữu kỳ nghỉ vẫn chưa được quy định.

Cơ sở cho việc mua bán trên thực tế chỉ là hợp đồng. Đương nhiên, không phủ nhận tầm quan trọng của nguyên tắc tự do định đoạt và tự nguyện thỏa thuận của các bên. Nhưng nếu như Bộ luật Dân sự năm 2015 hoàn toàn thả trôi các mối quan hệ này cho các quyền tự quyết đó thì cơ sở pháp lý nào sẽ được dùng để định vị cho tính hợp pháp cũng như làm chuẩn mực để giải quyết các vấn đề phát sinh?

Đơn cử như để lại thừa kế kỳ nghỉ cho người khác được hợp đồng ghi nhận và là quyền được để lại thừa kế theo hợp đồng. Bộ luật Dân sự liệu có đủ sức để bảo đảm quyền được để lại và hưởng thừa kế đó hay nếu có sự xung đột sau đó là vấn đề cực kỳ nan giải với khoảng trống quy định hiện nay. Bởi lẽ, ngay cả câu hỏi liệu quyền sở hữu kỳ nghỉ có phải là “quyền tài sản khác” được định vị trong Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 hay không cho đến nay vẫn chưa thể trả lời một cách chắc chắn.

Ngoài ra, cách thức đàm phán của một số công ty cung ứng sản phẩm trên thực tế thời gian qua đang có vấn đề. Hầu hết đều sử dụng hợp đồng mẫu nhưng chưa đáp ứng đúng quy trình pháp lý để sử dụng hợp đồng mẫu, như điều kiện đăng ký mẫu hợp đồng. Nhiều nội dung trong hợp đồng thiếu rõ ràng, nhiều điều khoản mập mờ bắt buộc phải được giải thích lại. Vì theo nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng trong các hợp đồng mẫu, quy định cần phải được giải thích theo hướng có lợi cho khách hàng.

Trước những khoảng trống pháp lý đầy rủi ro này, khách hàng có lẽ chỉ còn cách phải thật tỉnh táo khi đặt bút ký hợp đồng. Vì bản chất của mô hình sở hữu kỳ nghỉ là sở hữu dịch vụ chứ không phải là sở hữu bất động sản nên chủ đầu tư không có nghĩa vụ phải có bảo lãnh của ngân hàng như trường hợp khách hàng mua nhà chung cư. Do đó, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án thì quyền lợi của khách hàng sẽ ra sao?

Do không phải là sở hữu bất động sản nên khách hàng sẽ không được cấp sổ hồng. Do vậy về mặt pháp lý, chủ đầu tư vẫn là người chủ sở hữu. Điều đó có nghĩa chủ đầu tư có toàn quyền cầm cố, thế chấp bất động sản nghỉ dưỡng để vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không có khả năng thanh toán nợ, ngân hàng hoàn toàn có quyền phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Có nhiều người hiểu nhầm là sau này có thể chuyển nhượng là dễ sinh ra lợi nhuận. Thực ra, khi mua timeshare chúng ta chỉ có gói về kỳ nghỉ trong một thời gian nào đó chứ không có quyền sở hữu toàn bộ. Quyền lợi chỉ dừng lại trong hợp đồng đối với chủ đầu tư ký với mình. Gần đây một số chủ đầu tư đã phá sản dù công ty mẹ là nhà đầu tư lớn. Hình thức timeshare chỉ phù hợp với người sở hữu thật sự có nhiều tiền để đầu tư và không sử dụng vốn vay, người hay đi du lịch nghỉ dưỡng, địa điểm biệt thự có khách du lịch thường xuyên và ổn định.