Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phá sản 2014

0
431

Ngày 01 tháng 8 năm 2016 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản 2014. Nghị quyết này bao gồm 7 điều và hướng dẫn thi hành một số quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 70 và Điều 104 của Luật phá sản.

Theo đó tại Điều 8 của Luật phá sản, quy định về tài sản ở nước ngoài và người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài được Nghị quyết hướng dẫn chi tiết. Người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài gồm: cá nhân không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay pháp nhân không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc không có người đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (khoản 2, Điều 2).

Tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật phá sản 2014 có đề cập tới các vụ việc phá sản có tính chất phức tạp. Nghị quyết này đã quy định chi tiết các trường hợp nào được xếp vào là vụ việc có tính chất phức tạp. Theo đó vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản 2014.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản có quy định về thẩm quyền giải quyết phá sản của tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau: một là vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài (điểm a), hai là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau (điểm b), ba là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau (điểm c). Đây là ba trường hợp hợp không thuộc vụ việc phá sản có tính chất phức tạp.

Các trường hợp thuộc vụ việc phá sản phức tạp là doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản trong 4 trường hợp sau. Một là doanh nghiệp, hợp tác xã đó có từ trên 300 lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ 100 tỷ trở lên. Hai là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật. Ba là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bốn là Có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài.

Các điều khoản khác được Nghị quyết hướng dẫn chi tiết gồm: khoản 14 Điều 9 Luật Phá sản về tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự. Vấn đề tham khảo quyết định này được giải thích theo nghị định là tham khảo án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao công nhận hoặc là tham khảo quyết định giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất tương tự với vụ việc phá sản đang được giải quyết (khoản 4)

Điều 70 Luật phá sản về biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng được hướng dẫn chi tiết, làm rõ từng khoản như khoản 1 Luật phá sản 2014 cho phép áp dụng các biện pháp cho bán hàng hoá dễ bị hư hỏng, hàng hoá sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hoá không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác. Nghị định hướng dẫn chi tiết vấn đề này, cụ thể hóa các loại hàng hóa được áp dụng biện pháp này “Quyết định cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ khi hàng hóa là thực phẩm tươi sống, dễ bị phân hủy, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày; thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày; hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính, điện thoại thông minh) và các loại hàng hóa, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng”. Ngoài ra còn có các biện pháp: Kê biên tài sản được giải thích rõ ràng hay biện pháp niêm phong tài sản…

Điều 104 của Luật phá sản về quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản được bổ sung và theo đó thẩm phán phải tiến hành các hoạt động trước khi tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, bao gồm: Kiểm tra lại việc lập danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, Kiểm tra việc hoàn trả khoản vay đặc biệt mà tổ chức tín dụng đã được vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật tổ chức tín dụng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2016.

Quý khách hàng có thể tải Nghị quyết tại đây: Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP