Hiện nay có nhiều loại bảo hiểm trên thị trường. Vậy, người dân cần có bảo hiểm xe máy nào? sự cần thiết loại giấy tờ này, có lợi cho người mua như thế nào, trong trường hợp nào?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có quy định như sau: Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hiện nay, bảo hiểm xe máy có thể chia làm 04 loại: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; Bảo hiểm vật chất xe; Bảo hiểm mất cắp; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Khi tham gia giao thông, bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thế:
“2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;…”.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm nhằm giúp chủ xe trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn thì đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khoản tiền cho nạn nhân. Tất nhiên, muốn được bồi thường thì phải không thuộc trường hợp mà bảo hiểm không bồi thường, cụ thể:
– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
– Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
– Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
– Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
– Chiến tranh, khủng bố, động đất.
– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Tuy nhiên, bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe hay tính mạng cho chính mình, thì phải mua một trong các loại bảo hiểm còn lại, bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.