Nguyên nhân thực trạng hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

0
479

Nhu cầu cung và cầu của thị trường. Buôn bán hàng hóa xâm phạm hàng giả mạo nhãn hiệu  đẩy lợi nhuận lên cao (chi phí sản xuất thấp nên lợi nhuận càng đẩy lên cao);  Vì thế mà lôi kéo nhiều đối tượng coi thường pháp luật, không tính toán đến tác hại cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác và ít có thông tin về sản phẩm nên khó biết được sản phẩm thật – giả nếu chưa sử dụng. Hơn  nữa sự nhận thức về hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu còn rất hạn chế ở một số bộ phận người dân không chỉ ở nông thôn, miền vùng xa hẻo lánh mà ngay cả thành thị. Hoặc dùng hàng hóa đó vì chi phí thấp hơn đó là nhân tố tiếp tay cho hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu lưu hành thuận lợi hơn.

Về phía doanh nghiệp: Thứ nhất, nước ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, số lượng doanh nghiệp phát triển không ngừng nhưng có đến 96-97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó không ít doanh nghiệp buôn bán, sản xuất những mặt “ hàng nhái, giả,” hàng kém chất lượng. Thứ hai là ý thức chống hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trong nước chưa cao, doanh nghiệp có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu chỉ đếm được trên đầu ngón tay; doanh nghiệp không kết hợp với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái.

Sự quản lý yếu kém của chi cục quản lý thị trường. Quy định pháp lý về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là về pháp lý xác định hành vi và quy trình thủ tục pháp lý trong quá trình kiểm tra. Theo Chi cục Quản lý thị trường, một cái khó nữa là thủ tục về giám định và kết luận vi phạm, hồ sơ khiếu nại và thẩm quyền kiểm tra xử lý.

Về giám định, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ không còn chức năng giám định mà chỉ có ý kiến chuyên môn khi cơ quan trưng cầu thì khi một vấn đề phát sinh là kết quả giám định do doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan thực thi có được coi là chứng cớ pháp lý hay chỉ là một tài liệu tham khảo. Hồ sơ khiếu nại cũng là vấn đề tranh cãi bởi chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hồ sơ hợp lý và đầy đủ. Các văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này cũng chưa thật sự rõ ràng khiến doanh nghiệp cũng không có căn cứ cụ thể để chuẩn bị hồ sơ khiếu nại. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc thụ lý hồ sơ trước khi đưa ra quyết định kiểm tra. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý cũng là vấn đề hết sức bức xúc của lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo xử lý nghiêm minh, triệt để, tránh tình trạng kiểm tra xử lý tràn lan, tuỳ tiện gây tác động xấu đến thị trường.

Đối với các quốc gia khác, khi bắt quả tang hành vi sản xuất hàng giả thì sẽ bị xử phạt ngay với tất cả tang chứng thu được. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả các mẫu tang vật đều phải được đưa đi giám định. Bên cạnh đó, có những mẫu phải có thuốc thử chuyên biệt như những loại kháng sinh thế hệ mới phải gửi đi rất nhiều nơi để giám định. Điều này gây tốn kém rất nhiều cho cơ quan điều tra cũng như ngân sách của Nhà nước. Vì thiếu kinh phí nên việc đấu tranh chống tội phạm liên quan đến hàng giả là rất vất vả. Đặc biệt là còn thiếu trầm trọng cán bộ làm giám định vi phạm SHTT.  Chế độ đãi ngộ những người làm công tác chống hàng nhái, hàng giả còn eo hẹp, cào bằng, chưa khuyến khích.

Thủ tục hành chính trong thanh tra, kiểm tra rườm rà không hợp lý. Các hành vi xâm phạm làm hàng giả lại quy định chỉ khi nào vượt quá giá trị 30 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự theo luật như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, như vậy chế tài vẫn chưa đủ mạnh để xử lý.

Các rào cản thương mại đã dần được dỡ bỏ, điều kiện lưu thông hàng hoá ngày càng được cải thiện. Biện pháp quản lý hàng hóa ở cửa khẩu còn yếu kém. Về khách quan:Việt Nam có đường biên giới và địa hình phức tạp, công tác kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn vì vậy mà hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được vận chuyển tự do vào Việt Nam.

Từ nhiều nguyên nhân trên cho thấy nạn hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tăng nhanh là do ý thức người tiêu dùng, ý thức của doanh nghiệp và đặc biệt là thủ tục xử lý còn phức tạp và khâu giám định vi phạm sở hữu trí tuệ trong việc chống hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu còn hạn chế.