Giải pháp hạn chế nạn hàng giả tại Việt Nam

0
358
1. Cục sở hữu trí tuệ

–  Thống nhất đưa ra các văn bản chung quy định về phân biệt hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu giả hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu  để áp dụng chung. Hoàn thiện pháp lệnh chất lượng hàng hóa ban hành ngày 1/7/2000 để các nhà quản lý có mẫu chung, tiêu chí đánh giá chung nhất từ trung ương đến địa phương khi xử lý hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

– Áp dụng luật SHTT đảm bảo chính xác cụ thể là nghị định 105/2006/NĐ-CP, 106/2006/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục để xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền và giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Phải nhận định chính xác và phân biệt rõ các trường hợp thế nào là hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (trình tự thủ tục đầy đủ- gửi công văn khuyến cáo – thời gian hợp lý – yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý). Trường hợp hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý( trình tự thủ tục rút gọn – khi phát hiện sẽ đình chỉ hành vi – lập biên bản xử lý hành vi vi phạm)

–  Cục quản lý thị trường sẽ lập danh sách các đơn vị sản xuất hàng giả , hàng nhái để công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ hàng hoá của mình của các DN…

 2. Các cơ quan chức  năng

-Phải hoàn chỉnh hành lang pháp lý về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Các điều quy định trong Luật phải được hướng dẫn, xử lý cụ thể để cơ quan thực thi tiến hành thoả đáng. Một mặt cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường, một mặt tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác. Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho có đủ sức răn đe tội phạm

– Thống nhất hai nghị định (Nghị định 06/2008/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Nghị định số 54/2009/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm) để các nhà quản lý có quy định chung nhất để xử lý hành vi xâm phạm.

– Tổ chức các  hội thảo hội nghị về phân biệt các nhãn hiệu hàng hóa xâm phạm và hàng giả mạo nhãn hiệu để người tiêu dùng biết và phân biệt rõ hơn. Tổ chức phổ biến công khai trên báo đài và nơi công cộng;

–  Tiếp tục tăng cường vai trò quản lý và điều hành của nhà nước, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất hàng hoá trong nước đủ sức cạnh tranh đối với hàng hóa ngoại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; hạn chế lạm phát và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

 Mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát chuyên trách chống tội phạm đặt trụ sở tại một số quốc gia trong khu vực nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ.

3.  Với các thành phần kinh tế

Chống hàng giả muốn thành công thì phải có sự hợp tác chặt chẽ nhiều thành phần từ nhà sản xuất, cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm nhái, giả, nên mạnh dạn đề xuất xử phạt theo đúng pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ bằng cách tham gia đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với sản phẩm của mình, áp dụng biện pháp kỹ thuật tân tiến trong sản xuất để hạn chế bị làm giả cùng với dán tem chống giả.

Để tránh mua hàng gian, hàng giả, người tiêu dùng nên:

-Tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả của sản phẩm trước khi mua (nhất là đối với những sản phẩm có giá trị lớn), nên lựa chọn những thương hiệu có uy tính trên thị trường.

-Tìm hiểu và nắm rõ hệ thống phân phối chính thức của sản phẩm cần mua (cửa hàng, đại lý chính thức).

-Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hoá đơn, phiếu bảo hàng. Các chứng từ này phải được ghi đầy đủ, rõ ràng (không lập lờ). Khách hàng cần lưu giữ các chứng từ này trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm.

-Nếu phát hiện các trường hợp bất thường người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà sản xuất để nhờ tư vấn nhận dạng. Hoặc liên hệ với Hội bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ với quyền lợi chính đáng, nếu nghiêm trọng, liên hệ với cảnh sát kinh tế.

Nâng cao ý thức người tiêu dùng: Đưa khái niệm văn hóa SHTT của Nhật áp dụng ở Việt Nam – văn hóa của người biết tự bảo vệ SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người  khác, người dân phải có ý thức không dùng sản phẩm “hàng giả, hàng nhái”, không bản quyền và coi điều đó là sự xấu hổ, xúc phạm. Nâng cao ý thức nói không với hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trôi nổi trên thị trường là biện pháp tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Chúng ta có thể nâng cao hiểu biết của nhân dân qua nhiều kênh tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu phổ biến kiến thức…Đó chính là những nòng cốt về sở hữu trí tuệ trong từng ngành để sau đó nhân rộng ra

 4.  Mở rộng mô hình đào tạo chuyên ngành SHTT

Kinh nghiệm quốc tế trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho thấy tại các quốc gia mà trình độ nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ càng cao thì tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ càng thấp và đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế – xã hội. Có nhiều cách để nâng cao nhận thức cho công chúng về sở hữu trí tuệ, trong đó việc đào tạo về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học là một kênh quan trọng.Sinh viên là lớp người phải có được những hiểu biết nhất định về quyền SHTT và thực thi đúng. Vì vậy đào tạo cho sinh viên cũng là đào tạo cho thế hệ trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước thực trạng xâm phạm SHTT; việc đào tạo tại nhà trường kết hợp thực tiễn là vấn đề cần thiết:

Mở rộng đào tạo chuyên ngành SHTT tại các trường đại học,cao đẳng, trung cấp..trên thành phố Hà Nội, hay bổ sung  và tăng cường các môn học về ngành SHTT tại các trường để đào tạo kiến thức tổng quan chuyên ngành SHTT. . Mặc dù Việt Nam có tới 2 Đại Học Luật (Hà Nội và TP HCM) cộng với khoa Luật ĐH quốc gia (Hà Nội và TP HCM) -tương đương một đại học -và khoa Luật của nhiều trường khác (Viện ĐH Mở, các ĐH Dân lập) nhưng môn học về pháp luật SHTT vẫn chỉ được coi là môn phụ, thậm chí cũng mới xuất hiện chính thức trong chương trình giảng dạy trong trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ( Hà Nội) từ năm 2008. Điều đó cũng đồng nghĩa là đa số các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên,… của chúng ta cần được đào tạo bổ sung về SHTT hơn nữa.

Đào tạo cử nhân  có chất lượng, có hiểu biết về chuyên môn về SHTT, thay đổi chương trình lý thuyết + thực hành cho sinh viên có thể theo học trên trường kết hợp thực tập, thực tế tại các công ty luật, tòa án..tham gia nghiên cứu các vụ xử án hay điều tra hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên thị trường trong khi còn đang nghiên cứu ở trường để có kỹ năng tập huấn và cọ xát thực tế tốt nhất. Mở các khóa học ngắn hạn về sở hữu trí tuệ trước hết cho các nhà quản lý tương lai, và đại diện của các hiệp hội…sẽ tham gia và giảng dạy.

Mở các buổi hội thảo, tọa đàm tại nhà trường hay thông báo giấy mời cho nhiều sinh viên để sinh viên tự hiểu rõ tầm quan trọng của việc xác lập quyền SHTT trong việc chống hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu  ở Việt Nam. Từ đó sinh viên sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền chống nạn “ hàng giả, hàng nhái” tới nhiều người khác.