Nguyên tắc, điều kiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản

0
557

Câu hỏi: Công ty tôi đang thực hiện một dự án bất động sản. Tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư nên công ty tôi muốn chuyển nhượng một phần của dự án để lấy số tiền đó tiếp tục đầu tư vào phần đất chúng tôi đang thực hiện công trình. Vậy có nguyên tắc và điều kiện gì để tôi có thể thực hiện chuyển nhượng được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Công ty bạn có thể chuyển nhượng một phần dự án như công ty bạn mong muốn tuy nhiên cần tuân thủ những nguyên tắc theo Điều 48, Luật kinh doanh bất động sản 2014:

-Không làm thay đổi mục tiêu của dự án;

-Không làm thay đổi nội dung của dự án;

-Bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.

-Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc được đăng ký biến động vào giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.

-Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản không phải làm lại hồ sơ dự án, quy hoạch xây dựng và Giấy phép xây dựng của dự án nếu không có thay đổi về nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của dự án.

Đồng thời việc chuyển nhượng phải đáp ứng được những điều kiện sau:

 -Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt;

-Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt;

-Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.

-Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

-Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án.

Vậy để thực hiện được việc chuyển nhượng một phần dự án, bạn cần phải cân nhắc, xem xét công ty bạn đã đáp ứng đủ điều kiện trên chưa. Nếu chưa bạn cần phải thực hiện các thủ tục theo quy định Pháp luật. Ngoài ra công ty bạn cũng cần tuân thủ các nguyên tắc khi thực hiện chuyển nhượng.

Xem thêm:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG CHUYỂN NHƯỢNG TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN

Chuyển nhượng dự án đầu tư bất động sản là việc chủ đầu tư dự án bất động sản cũ chuyển giao toàn bộ hoặc một phần vốn và quyền thực hiện dự án bất động sản cho chủ đầu tư dự án bất động sản mới.

Vậy khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản, các bên có những quyền và nghĩa vụ gì?

Nội dung này được quy định tại Điều 52 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 như sau:

  1. Chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình đối với toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư nhận chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh, trừ các quyền và nghĩa vụ đã thực hiện xong mà không liên quan đến chủ đầu tư nhận chuyển nhượng và việc tiếp tục triển khai dự án, phần dự án đó;

b) Chuyển giao hồ sơ liên quan cho bên nhận chuyển nhượng; thông báo kịp thời, đầy đủ, công khai và giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên liên quan tới dự án, phần dự án chuyển nhượng;

c) Phối hợp với bên nhận chuyển nhượng làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Trường hợp chuyển nhượng một phần dự án bất động sản, bên chuyển nhượng có quyền yêu cầu bên nhận chuyển nhượng tiếp tục đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng trong phần dự án nhận chuyển nhượng theo đúng tiến độ và quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng của dự án; theo dõi và thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng của bên nhận chuyển nhượng;

đ) Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền và nghĩa vụ khác trong hợp đồng.

2.Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Kế thừa và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng đã chuyển giao;

b) Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh dự án theo đúng tiến độ, nội dung của dự án đã được phê duyệt;

c) Trường hợp nhận chuyển nhượng một phần dự án bất động sản, bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của bên chuyển nhượng dự án về việc bảo đảm tiến độ, tuân thủ quy hoạch của dự án trong quá trình đầu tư xây dựng;

d) Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền và nghĩa vụ khác trong hợp đồng.

Xem thêm:

Quy định về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư
Theo quy định tại Điểm b, Điểm e, Điểm g, Điều h, Điểm k, Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
– Nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
– Doanh nghiệp liên doanh nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
– Thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
– Thông qua việc Nhà nước cho thuê đất;
– Theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận, thỏa thuận trong hợp đồng thé chấp để xử lý nợ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành, văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điểm đ, Khoản 2, Điều 174 của Luật Đất đai 2013 cũng quy định: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có quyền thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cũng như cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, ngoài các quyền góp vốn hay chuyển nhượng vốn là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm b, Điểm e, Điểm g, Điều h, Điểm k, Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai 2013, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thuê đất từ nhà nước, với thời hạn thuê tối đa không quá 50 năm, theo Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai 2013.