Trả lời: Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam chỉ làm thủ tục đăng ký đầu tư khi đáp ứng đủ điều kiện. Cụ thể như Điều 23 Luật đầu tư có quy định:
Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Vậy chúng ta hiểu thế nào về quy định tại Điều 23 nêu trên.
Quy định tại Điều 23 là quy định tiêu chuẩn áp dụng đối với tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư tại Việt Nam (tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên), chứ không phải là tỷ lệ vốn góp nước ngoài trong dự án đầu tư.
Để cho rõ ràng hơn, chúng tôi có ba ví dụ dưới đây để làm rõ hơn cách hiểu về quy định tại Điều 23:
Ví dụ 1:
– Công ty A (pháp nhân thành lập và hoạt động tại Hongkong) đăng ký thành lập doanh nghiệp liên doanh với công ty B (công ty Việt Nam). Trong đó, A góp 10% và B góp 90% tổng số vốn của dự án. Theo ý kiến của chúng tôi, trong dự án này, chỉ có B là nhà đầu tư không thuộc nội dung quy định tại Điều 23, còn A vẫn thuộc nội dung quy định tại Điều 23. Do vậy, dự án này vẫn phải đăng ký đầu tư.
Ví dụ 2:
– Công ty A là công ty liên doanh trong đó bên nước ngoài sở hữu 49% tổng số vốn góp, trong nước chiếm 51% vốn góp. Trong trường hợp này, khi A tiến hành góp vốn đầu tư thì không thuộc diện phải đăng ký đầu tư theo quy định tại điều 23.
Ví dụ 3:
– Công ty A là công ty liên doanh, trong đó, bên nước ngoài sở hữu 51%, Việt Nam sở hữu 49%. Khi công ty này đi mua lại 4% vốn góp của một công ty trong nước. Việc mua lại phần vốn góp này vẫn phải làm đăng ký đầu tư.