Những chiêu “bẩn” cần tránh khi mua nhà dự án

0
245
Chị Trương Phương Thảo, trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội kể, do chồng chuyển công tác nên gia đình chị đang có ý định mua một căn hộ chung cư tại khu vực Hà Đông (Hà Nội). Chị Thảo quan tâm đến dự án GoldSilk Complex và đã gọi đến số điện thoại tư vấn của một sàn giao dịch bất động sản có đăng quảng cáo về tòa nhà này. Tuy nhiên, khi gọi đến, điều khiến chị ngỡ ngàng là nhân viên tư vấn lại không giới thiệu cặn kẽ về dự án mà chị quan tâm, ngược lại đưa ra vô số những “yếu điểm” của dự án này như không có hệ thống chữa cháy, không có view, nhà thầu không có kinh nghiệm…
Cuối cùng, nhân viên tư vấn này hướng chị đến một dự án khác cũng trong khu vực và kết luận: Chị nên lấy dự án này mà không nên lấy GoldSilk Complex.
Khá bất ngờ với cách tư vấn và những thông tin nhận được về dự án mà nhân viên tư vấn bất động sản trên nên chị Thảo đã phải đi đường vòng, nhờ người quen bên Sở Xây dựng thẩm định thì được biết, thông tin sàn bất động sản kia cung cấp là không chính xác.
Trao đổi với phóng viên ngày hôm qua, đại diện chủ đầu tư GoldSilk Complex cũng ngỡ ngàng khi xem website và địa chỉ đơn vị tư vấn mà khách hàng phản ánh. Chủ đầu tư hoàn toàn không có đối tác bán hàng nào như vậy. Trang web được lập ra để cung cấp thông tin sai sự thật, và “đó có thể là một chiêu cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ”.
Cũng dở khóc dở cười không kém chủ đầu tư GolSilk Complex, một đại gia bất động sản sở hữu dự án 20 ha ở khu vực quận Hà Đông từng bỗng dưng đối mặt với hàng loạt tin đồn thất thiệt về việc nợ thuế đất, bị phạt vì chậm tiến độ, dự án không đảm bảo chất lượng vì nền đất yếu… Khi tìm hiểu thì hóa ra, thông tin xuất phát từ một doanh nghiệp đối thủ, đang bán hàng ngay khu vực bên cạnh.
Cần quản lý chặt thị trường phân phối
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch – Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư SB Law cho hay, việc dùng thông tin dự án của đối thủ cạnh tranh để câu khách hàng, nói những thông tin không đúng về dự án của đối thủ, sau đó quảng cáo để bán dự án của mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có yếu tố lừa dối người tiêu dùng, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh.
“Trong trường hợp này, người mua nhà bị thiệt hại rất lớn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, người đi mua nhà để ở thường không phải là những người làm trong lĩnh vực xây dựng, không có đủ thông tin, kiến thức chuyên môn để có thể thẩm định những thông tin tư vấn của nhân viên bán bất động sản. Do đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, mua nhà là chuyện rất quan trọng, nếu người mua nhà chỉ dựa vào những thông tin trên một số website bán bất động sản dẫn dắt sẽ dễ bị sai lệch do đây là thông tin không được kiểm chứng do dân sales (người bán hàng) tự đưa lên, những điểm yếu của dự án thường được giấu đi, chỉ đưa những điểm tốt, thậm chí nói cường điệu lên, hoặc dẫn dụ người dân đến những dự án được hưởng hoa hồng cao.
Do đó, khi tìm hiểu để mua nhà, cần tìm những chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn uy tín để xác nhận điểm mạnh yếu cũng như tình trạng pháp lý của dự án.
Ông Hà kiến nghị: Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải tạo ra cơ chế, áp dụng công nghệ để người dân có quyền và được xác nhận về tình trạng thế chấp của dự án mà họ quan tâm. Đây là vấn đề mấu chốt trong các vụ việc lựa chọn một căn hộ cần mua, sẽ tránh được khá nhiều rủi ro cho người dân.
“Nhà nước cũng cần có giải pháp quản lý chặt kênh phân phối, tránh để bát nháo như hiện nay, đó là nguy cơ rất lớn cho người mua nhà”, luật sư Hà nói