Những điểm mới được quy định tại điều 17a

0
570

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xây dựng dự án sửa đổi toàn diện Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tập trung trước mắt việc chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp.Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về  điểm mới được quy định tại điều 17a nêu trên. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Những điểm mới được quy định tại điều 17a có giải quyết được các vướng mắc trong hoạt động đấu giá hiện nay không?

Trả lời:

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định này, được hiểu nhằm kiểm soát năng lực của các tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và hạn chế tình trạng “thổi giá đất” và “bỏ cọc” như thời gian vừa qua.

Trong đó quy định cụ thể điều kiện của tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ (trong đó có điều kiện phải nộp tiền đặt trước bằng mức tối đa theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và tiền đặt cọc theo giá trúng đấu giá ngay tại phiên đấu giá và trước khi ký biên bản đấu giá).

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Trường hợp đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư thì phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với số vốn đầu tư đến khi hoàn thành dự án. Việc quy định về việc phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với số vốn đầu tư đến khi hoàn thành sự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, từ đó góp phầ nâng cao trách nhiệm bảo đảm và tính chịu trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo đảm dự án đầu tư được thực hiện, phần nào hạn chế được tình trạng dự án ảo hiện nay,góp phần giảm thiểu được tình trạng bỏ cọc như hiện nay.

Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá QSDĐ, đặc biệt là quy định về mất tiền đặt trước hoặc tiền đặt cọc khi không tham gia hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc huỷ kết quả trúng đấu giá. Trước đây quy định “trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”. Quy định này được hiểu nhằm hạn chế tình trạng người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, “bỏ cọc”, tuy nhiên giá trị khoản tiền nộp phạt tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là quá lớn. Điều này có thể tạo ra tâm lý e ngại cho những người tham gia đấu giá và giảm tính cạnh tranh của hình thức này

Dự thảo quy định mới đã khắc phục được hết các nhược điểm trước đó, người tham gia đấu giá không phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá nữa. Điều này đã giúp hạn chế tâm lý e ngại cho những người tham gia đấu giá và tạo cơ hội cho mảng đấu giá phát triển.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung quy định: Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Có thể nói các quy định trong dự thảo tạo điều 17a đã khắc phục được hầu hết những hạn chế của các quy định trước đó,mở ra một hướng phát triển mới cho việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trên thực tế. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian để có thể theo dõi được việc áp dụng các quy định này để từ đó có thêm những đánh giá thiết thực hơn.