Ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản khi ly hôn?

0
320

Câu hỏi :  Chào Luật sư công ty Luật SB law. Tôi có thắc mắc sau  muốn nhờ Luật sư tư vấn.

Tôi kết hôn với chồng tôi đã được 20 năm nay. Chồng tôi xuất thân  từ một gia đình giàu có và anh ấy cũng có công ty riêng nên sau khi kết hôn anh ấy nói rằng gia đình có điều kiện nên anh ấy không muốn tôi phải vất vả đi làm. Anh muốn tôi ở nhà để chăm sóc gia đình con cái.

Bản thân tôi là một người phụ nữ có học thức và ngoại hình. Tôi tốt nghiệp thạc sỹ tại Anh và thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý. Tôi vì muốn anh vui nên đã quyết định ở nhà chăm sóc con cái và nội trợ. Nhưng những năm gần đây vợ chồng tôi bất hòa. Anh nói rằng tôi không hiểu và chia sẻ được công việc với anh. Anh đã có người khác. Chúng tôi quyết định ly hôn nhưng không thống nhất được chuyện chia tài sản.  Anh nói tôi không đi làm, không có thu nhập nên không được chia tài sản. Tôi thấy mình bị rơi vào thế yếu, với bằng cấp và trình độ của mình nếu không vì chiều lòng anh thì tôi tin chắc chắn mình đã có một công việc lương cao tại một công ty đa quốc gia. Hơn nữa trong 20 năm chung sống với anh, vì anh luôn bận rộn công việc nên công việc nội trợ của cả gia đình, việc tiếp khách ngoại giao cho anh việc chăm lo các con học hành đều do tôi đảm nhiệm. Tôi kèm cặp các cháu các môn văn hóa sau giờ các cháu học trên lớp, tôi cũng dùng khả năng ngoại ngữ của mình để dạy các cháu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý.  Các con tôi đều học giỏi và đạt học bổng toàn phần đi du học nước ngoài.

Luật sư cho tôi hỏi có đúng là tôi chỉ ở nhà nội trợ nên khi ly hôn tôi không có quyền được chia tài sản?

Câu trả lời : Xin cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến cho công ty chúng tôi. Đối với thắc mắc của bạn chúng tôi xin có câu trả lời như sau.

Theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc giải quyết tài sản của vợ chồng được giải quyết theo quy tắc sau đây:

“ 1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”

Như vậy, khi ly hôn việc chia tài sản sẽ được tiến hành theo theo thỏa thuận của vợ chồng. Trường hợp của bạn khi hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì việc phân chia tài sản sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật. Quy tắc phân chia tài sản có khác biệt giữa tài sản chung và tài sản riêng

Tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại điều Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

  1. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
  2. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình thì  tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  1. a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  2. b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  3. c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  4. d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

Trong trường hợp của bạn thì về nguyên tắc tài sản chung sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yêú tố như đã nêu trên. Việc bạn làm nội trợ tại nhà cũng được tính như lao động có thu nhập.

Còn Tài sản riêng của vợ, chồng khi ly hôn sẽ vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung (Khoản 4 Điều 59).

Ngoài ra khi phân chia tài sản Tòa án cũng phải chú ý đến việc  Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. (Khoản 5 Điều 59).