Pháp luật về quản lý người tâm thần ?

0
465

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn hỏi về luật quy định như thế nào về quản lý người tâm thần?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SBLaw cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

  1. Nôi dung tư vấn

– Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh làm mất khả năng nhận thức phải được hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận. Khi giám định, hội đồng giám định sẽ kết luận người này có bị hạn chế về mặt nhận thức hay không. Chỉ khi người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hành vi đó gây ra hậu quả, mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

– Đối với những trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 21 và Điều 49 BLHS. Theo Điều 447 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:

“Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

  1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
  2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”

– Hiện nay, luật chưa điều chỉnh vấn đề trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Là người trực tiếp gần gũi với người bệnh nhất, gia đình nên đưa người bệnh đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa để tránh những sự việc đáng tiếc và cũng là tạo điều kiện cho người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống. Gia đình của người bị mắc bệnh tâm thần cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh. Không được để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, ngoài ra cần tránh việc có những hành vi, lời nói làm bệnh nhân tâm thần bị kích động dẫn đến việc gây hậu quả nguy hiểm. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng tại địa phương trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người dân địa phương cũng hết sức cần thiết.

– Pháp luật hiện hành vẫn còn chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội, vậy nên cần có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần. Pháp luật hiện nay chỉ mới có dự thảo thông tư hướng dẫn quy trình quản lý trường hợp với người bệnh tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Bộ Thương binh lao động và xã hội năm 2017 tuy nhiên vẫn chưa được thông qua.