Quy định cần nắm giữ 6 tháng để đề cử người vào HĐQT, góc nhìn luật sư

0
423

SBLAW trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà với báo chí về nội dung quan trọng này.

1/ Luật Doanh nghiệp trước đây, quy định cần nắm giữ 6 tháng để đề cử người vào HĐQT. Qua thực tế triển khai Luật Doanh nghiệp, cá nhân ông đánh giá như thế nào về ưu, nhược điểm của quy định này?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT).

Về ưu điểm, quy định này đảm bảo sự tin cậy của các cổ đông trong hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo các cổ đông có mức độ gắn bó và hiểu biết nhất định về doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhược điểm của quy định này là còn tồn tại những điều bất hợp lý. Đơn cử như một công ty X mua 50% cổ phần của công ty Y, công ty X phải đợi sau 6 tháng mới có thể đề cử và ứng cử tham gia vào HĐQT, điều này cho thấy sự bất cập.

Mặt khác, quy định này cũng gây cản trở cho quá trình thành lập hội đồng quản trị của các doanh nghiệp mới, ảnh hưởng đến cơ cấu, hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời gây ra sự phân biệt giữa cổ đông cũ và cổ đông mới, khiến vị thế của các cổ đông không đồng nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi.

2/ Để khắc phục những hạn chế như trên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bỏ quy định cần nắm giữ 6 tháng và giảm tỷ lệ sở hữu cần thiết từ 10% vốn xuống còn 1% đối với các cổ đông. Cá nhân ông đánh giá thế nào về sự sửa đổi này? Dưới góc nhìn của một luật sư, ông đánh giá như thế nào về ưu, nhược điểm của sự sửa đổi này?

Trả lời:

Việc bỏ quy định cần nắm giữ 6 tháng mới được đề cử vào HĐQT là một quy định hợp lý.

Bởi nó sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các cổ đông,đảm bảo cơ cấu doanh nghiệp được hoàn thiện nhanh chóng, tránh mất thời gian chờ đợi. Đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới. 6 tháng là thời gian đủ dài để ban lãnh đạo hiện tại làm nhiều việc và rủi ro cho các cổ đông mới là rất lớn.

Tuy nhiên việc giảm tỷ lệ sở hữu cần thiết từ 10% vốn xuống còn 1% còn cần phải suy xét nhiều hơn. Ưu điểm là khi quy định cổ đông chỉ cần có 1% vốn của công ty cổ phần thì chắc chắn đảm bảo quyền lợi của họ cũng sẽ khác và họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên, việc “nới” rộng quyền cho các cổ đông nhỏ này cũng không thể phủ nhận điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh trong doanh nghiệp. Bởi để có đủ tỷ lệ sở hữu 1% tại các DN quy mô vừa cũng không phải là điều quá khó khăn. Các đối thủ cạnh tranh nếu muốn tiếp cận doanh nghiệp thì việc mua 1% cổ phần cũng là điều quá dễ dàng.

 

3/ Các nước trên thế giới ứng xử như thế nào với vấn đề này, chúng ta có thể học gì tư họ, thưa ông?

Trả lời:

Ở Nhật Bản, chỉ cần 1 cổ phiếu – tức là 0%, ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%. Quy định hiện hành của Việt Nam là 10% – số cổ phần này khá lớn khiến cho không phải ai cũng có thể sở hữu.

Đề xuất một mức cổ phần ít hơn cho thấy chúng ta đang tiếp cận với các nước phát triển trên thế giới, điều này có thể góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh hơn tư3ơng tự nước bạn.

Tuy nhiên, quy định mức phần trăm bao nhiêu thì còn cần phải xem xét tùy vào tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam.

4/ Với kinh nghiệm của một người làm nghề luật, ông có góp ý gì về quy định này, làm thế nào để quy định này được hoàn thiện hơn? Làm thế nào để bảo vệ được cổ đông thiểu số, thưa ông?

Trả lời:

Một trong những mục tiêu của việc sửa Luật Doanh nghiệp 2014 là nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông nhỏ, nhưng bên cạnh đó cũng cần cân nhắc, tính toán tỷ lệ nhằm cân đối lợi ích của nhà đầu tư nhỏ và sự hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Việc giảm tỷ lệ từ 10% xuống 1% là một sự thay đổi lớn, có thể không phù hợp với tất cả các DN. Nên chăng tỷ lệ này nằm trong khoảng 3-5% thì sẽ phù hợp với thực tiễn DN ở Việt Nam hiện nay.

Việc cân nhắc tỷ lệ này sẽ đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông lớn nhưng đồng thời cũng vẫn bảo vệ cho các cổ đông nhỏ, giải quyết được vấn đề cân bằng lợi ích và tính cạnh tranh trong doanh nghiệp.