Sửa Luật Đầu tư liên quan đến chủ trương giao đất khi triển khai dự án bất động sản

0
492

Ngày 30/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) có công văn số 5723/BKHĐT-PC gửi Bộ Tư pháp về đề xuất nội dung dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư có đưa ra ý kiến về việc sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020, như sau:

Hiện nay, theo điểm c khoản 1 Điều 75 Luật đầu tư năm 2020:

“Điều 75. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh.

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14 như sau:

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 như sau: 1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”.

Sửa đổi thành:

“Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 như sau: “1. Có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Việc sửa đổi này là cần thiết, bởi vì:

Hiện nay, hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là đất ở hoặc loại đất khác được nhà nước cho phép chuyển mục đích sang làm đất ở. Quy định này có phần cởi mở hơn so với quy định tại Luật Nhà ở 2014.

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, nhà đầu tư phải có toàn bộ 100% diện tích đất ở mới được chỉ định làm chủ đầu tư dự án, nhưng theo Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi quy định của Luật Nhà ở 2014) thì không bắt buộc các nhà đầu tư phải có 100% diện tích đất ở như Luật Nhà ở 2014 mà trên khu đất để thực hiện dự án chỉ cần có một phần diện tích đất ở thì cũng được xem xét để chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở.

Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa giải quyết cho trường hợp đất không phải một phần hoặc toàn bộ là đất ở, như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở.

Việc nhà nước quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là để đảm bảo cho việc không làm thất thoát tài nguyên đất đai, khó kiểm soát việc thương mại hoá không bền vững …. Để giải quyết vấn đề này cần thực hiện tốt từ khâu quy hoạch, lên kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chính vì vậy, việc nới lỏng phạm vi đất được sử dụng để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại là hợp lý và cần thiết để tạo căn cứ cho các địa phương xem xét công nhận chủ đầu tư trong nhiều trường hợp phát sinh linh hoạt, miễn sao đảm bảo đồng bộ với hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.