Tài chính cho phát triển nhà ở

0
314

Câu hỏi: Luật sư có thể cho tôi biết quy định của pháp luật về vấn đề tài chính cho phát triển nhà ở?
Luật sư trả lời: Luật nhà ở 2014 đã quy định cụ thể về vấn đề tài chính cho phát triển nhà ở tại các điều từ 67 đến 74 của Luật này, lần lượt với các vấn đề như sau:
I. Các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở
– Vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
– Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở trả trước theo quy định của Luật này.
– Vốn góp thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân.
– Vốn Nhà nước cấp bao gồm vốn trung ương và vốn địa phương để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách xã hội thông qua các chương trình mục tiêu về nhà ở và thông qua việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua.
– Vốn huy động từ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
II. Nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở
– Hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật này. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.
– Tổ chức, cá nhân huy động vốn phải có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở.
– Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có vốn cho phát triển nhà ở.
– Tổ chức, cá nhân phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích phát triển nhà ở đó, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác.
– Vốn phục vụ cho phát triển nhà ở và thực hiện chính sách nhà ở xã hội phải được quản lý theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và theo thỏa thuận của các bên.
– Chính phủ quy định chi tiết việc huy động vốn, nội dung, điều kiện, hình thức huy động vốn cho phát triển đối với từng loại nhà ở.
III. Vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại
– Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
– Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
– Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
IV. Vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội
– Vốn của chủ đầu tư hoặc vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Vốn của đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
– Vốn đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.
– Vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Vốn hỗ trợ từ các Quỹ và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.
V. Vốn cho phát triển nhà ở công vụ
– Vốn ngân sách nhà nước cấp bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
– Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
VI. Vốn cho phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư
– Vốn của chủ đầu tư hoặc vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
– Vốn đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.
– Vốn từ Quỹ phát triển đất.
– Vốn từ tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
– Vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
VII. Vốn cho phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
– Vốn của hộ gia đình, cá nhân.
– Vốn hợp tác giữa các hộ gia đình, cá nhân; vốn hỗ trợ của dòng họ, cộng đồng dân cư.
– Vốn vay của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
– Vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với các trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 65 của Luật này.
– Vốn hỗ trợ từ các nguồn hợp pháp khác.
VIII. Vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội
– Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội.
– Ngân hàng chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định.
– Ngân hàng chính sách xã hội phải lập khoản mục riêng để quản lý và sử dụng nguồn vốn theo đúng mục đích quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
– Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn vốn và quản lý việc sử dụng nguồn vốn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
– Chính phủ quy định chi tiết Điều này.