Tại sao Hợp đồng BOT lại được nhiều nhà đầu tư lựa chọn?

0
972

Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng là một hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Chính vì vậy, việc thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT là rất cần thiết đối với nền kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có quy định khái niệm 03 loại hợp đồng này như sau:

Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyềnvà được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định này.

Mỗi hình thức hợp đồng đều có ưu điểm và lợi thế nhất định, giúp các doanh nghiệp linh động trong việc lựa chọn hình thức đầu tư. Các dự án đầu tư theo ba hợp đồng này là những dự án thuộc diện được Nhà nước khuyến khích đầu tư thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế; ưu đãi về quyền sử dụng đất và nhiều biện pháp bảo đảm đầu tư nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, so với hai loại hợp đồng còn lại thì hợp đồng BOT lại được nhà đầu tư lựa chọn hơn. Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định khái niệm hợp đồng BOT như đã trình bày ở trên thì chủ thể tham gia và ký kết hợp đồng BOT bao gồm một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và một bên là nhà đầu tư.

Đối tượng của hợp đồng là các công trình kết cấu hạ tầng, có thể là xây dựng, vận hành công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc mở rộng, cải tạo, hiện đại hóa và vận hành, quản lý các công trình hiện có được Chính phủ khuyến khích thực hiện.

Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư hoàn toàn chủ động trong khâu kinh doanh, khai thác công trình để thu hồi vốn và lợi nhuận vì công trình theo hợp đồng này sau khi xây dựng sẽ được chủ đầu tư khai thác luôn nhằm thu hồi vốn và tìm kiếm thêm lợi nhuận trong một khoảng thời gian xác định trước khi chuyển giao cho Nhà nước.

Đơn cử như: Một chiếc cầu sau khi được xây dựng xong sẽ được khai thác lợi nhuận bằng cách thu phí từ các phương tiện vận chuyển đi qua cầu. Việc thu phí này có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định tùy theo thỏa thuận của Nhà nước và nhà đầu tư.

Thứ hai, do nhà đầu tư lo ngại việc thay đổi chính sách của Nhà nước, như đối với hợp đồng BOT thì sau khi xây dựng công trình phải chuyển giao cho Nhà nước trước rồi nhà đầu tư mới được khai thác lợi nhuận công trình. Như vậy, nếu sau giai đoạn đã chuyển giao công trình mà Nhà nước lại có sự thay đổi về chính sách với lĩnh vực này theo hướng bất lợi hơn cho nhà đầu tư thì phía nhà đầu tư sẽ bị thiệt. Còn đối với hợp đồng khác, trên thực tế có rất ít nhà đầu tư lựa chọn bởi lẽ việc được nhận lợi ích từ một công trình khác của Nhà nước có thể phải chờ trong một thời gian và cũng có thể lợi ích từ công trình này sẽ không bằng được công trình đã bàn giao cho Nhà nước.

Tóm lại, Hợp đồng BOT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ đầy hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ đông đảo các nhà đầu tư nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. BOT vừa giảm gánh nặng ngân sách và những rủi ro cho Nhà nước vừa tăng nguồn thu cho nhà đầu tư. Vì vậy, để đảm bảo được lợi ích của chính mình và chủ động trong việc sử dụng và kinh doanh công trình thì sự lựa chọn hợp đồng BOT đối với các nhà đầu tư là vô cùng đúng đắn.