Với mục đích kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 06/07/2015 về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện.
Tại Chỉ thị này, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND cấp tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới… Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện…
Giám đốc các bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Định kỳ kiểm tra giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện và đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý để kịp thời khắc phục những sự cố của hệ thống xử lý. Nếu nước thải y tế, khí thải lò đốt, chất thải rắn y tế của bệnh viện không đảm bảo quy chuẩn phải có kế hoạch khắc phục; trường hợp không tự xử lý được phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp để thu gom và xử lý theo đúng quy định…
Đặc biệt, Giám đốc bệnh viện phải giao trách nhiệm chính về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của bệnh viện cho một khoa, phòng cụ thể; bổ nhiệm một cán bộ phụ trách về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường để giúp Giám đốc bệnh viện về công tác này.
Nguồn: luatvietnam.vn