Thành lập công ty liên doanh trong lĩnh vực kho vận, giao nhận hàng hoá

0
413

Câu hỏi: Chúng tôi là nhà đầu tư tới từ Singapore, chúng tôi đang dự định lập liên doanh với một đối tác Việt Nam lập công ty liên doanh trong lĩnh vực: (i) Đại lý vận tải; (ii) Dịch vụ kho bãi; (iii) Dịch vụ giao nhận hàng hóa; (iv) Bốc xếp hàng hóa và (v) Đại lý môi giới, đấu giá. Đề nghị SBLAW tư vấn trình tự và thủ tục.

Trả lời: Chúng tôi đề cập đến thư điện tử của Quý Khách hàng theo đó, chúng tôi được yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật liên quan đến việc thành lập công ty liên doanh (sau đây gọi tắt là “FIC”) giữa Công ty tại Singapore (Sau đây gọi tắt là “Khách hàng”) và cá nhân người Việt Nam làm chủ sở hữu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay khi thành lập, FIC sẽ hoạt động trong lĩnh vực: (i) Đại lý vận tải; (ii) Dịch vụ kho bãi; (iii) Dịch vụ giao nhận hàng hóa; (iv) Bốc xếp hàng hóa và (v) Đại lý môi giới, đấu giá. Do đó, chúng tôi hân hạnh đệ trình Quý Khách hàng bản một số thông tin pháp lý để Quý khách hàng tham khảo.

1. Giới thiệu chung về thủ tục thành lập công ty tại Việt Nam.

Việc thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là “FIC”) tại Việt Nam sẽ phải được cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư từ cơ quan cấp phép.

Phụ thuộc vào địa điểm dự kiến thành lập Công ty FIC mà cơ quan cấp phép có thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư (nếu địa điểm thành lập FIC ở ngoài khu công nghiệp) hoặc là Ban Quản lý các Khu Công nghiệp cấp tỉnh (nếu địa điểm thành lập FIC ở trong một khu công nghiệp nào đó).

Chúng tôi xin làm rõ rằng thủ tục thành lập FIC ở Việt Nam thông thường sẽ dài hơn ở một số nước khác trong khu vực. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 quy định thủ tục này là 15 ngày, tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục này có thể kéo dài hơn do cơ quan cấp phép cần nhận được ý kiến đánh giá, chấp thuận với dự án đầu tư trước khi cấp phép.

Với những dự án liên quan đến việc phải tái định cư cho 10.000 người trở lên ở khu vực miền núi hoặc 20.000 người trở lên ở các khu vực khác hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc dự án trong lĩnh vực đặc biệt như xây dựng và vận hành sân bay; vận tải hàng không; xây dựng và vận hành cảng biển quốc gia; khai thác dầu khí, lọc hóa dầu …vv thì dự án phải nhận được sự chấp thuận của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh trước khi bắt đầu tiến hành thủ tục đầu tư.

Trong trường hợp đó, chúng tôi dự kiến rằng dự án sẽ không chỉ phụ thuộc vào yêu cầu chấp thuận nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi, xin bảo lưu quyền thay đổi phí dịch vụ và thời hạn hoàn thành nếu dự án của quý Công ty phải được Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận.

Để thành lập Công ty FIC tại Việt Nam, thủ tục cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy Chứng nhận đăng ký Đầu tư.

Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư, cơ quan cấp phép sẽ cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư cho nhà đầu tư. Để cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá sự tính hợp pháp và sự khả thi của Dự án Đầu tư trên các cơ sở sau đây:

  • Cơ sở pháp lý bao gồm Cam kết WTO của Việt Nam, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các quy định áp dụng trong từng lĩnh vực cụ thể cũng như kế hoạch/quy hoạch phát triển ngành công nghiệp liên quan của tỉnh thành nơi mà Công ty FIC sẽ đặt trụ sở chính;
  • Khả năng tài chính của nhà đầu tư, vốn đầu tư của dự án và nhân sự của dự án.

Bước 2: Xin cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Sau khi nhận được Giấy Chứng nhận Đầu tư, nhà đầu tư có nghĩa vụ thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong vòng 5 ngày sau khi nộp hồ sơ cho cơ quan cấp phép, nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh. Sau khi được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục làm dấu, đăng ký mã số thuế (nếu mã số doanh nghiệp không đồng thời là mã số thuế) và đăng bố báo về việc thành lập công ty.

2. Các tư vấn cụ thể

2.1.Đối với dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748), lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đối với dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, kể từ ngày gia nhập WTO, Nhà đầu tư phải thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt quá 51%. 7 năm sau khi gia nhập, không hạn chế. Do vậy, đối với ngành nghề này, Khách hàng sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép đầu tư thành lập liên doanh để triển khai dịch vụ này.

2.2.Dịch vụ cho thuê kho: Các dịch vụ này có thể được xếp vào dịch vụ kho bãi (CPC 742). Theo lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đối với dịch vụ kho bãi, kể từ ngày gia nhập WTO, Nhà đầu tư phải thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt quá 51%. 7 năm sau khi gia nhập, không hạn chế. Do vậy, đối với ngành nghề này, Khách hàng sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép đầu tư thành lập liên doanh để thực hiện.

Trong trường hợp Khách hàng dự kiến thuê cơ sở kho hàng của tổ chức, đơn vị khác để tiến hành cho thuê lại, chúng tôi lưu ý như sau: Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài được phép thuê bất động sản đã xây dựng sẵn để cho thuê lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng trong trường hợp này, vốn điều lệ của Công ty liên doanh phải đáp ứng tối thiểu là 20,000,000,000VNĐ (Hai mươi tỷ Việt Nam Đồng).

2.3.Dịch vụ giao nhận hàng hóa: Chúng tôi hiểu rằng, nội dung của dịch vụ giao nhận hàng hóa là thực hiện các công việc phục vụ cho mục đích thông quan của Khách hàng. Theo lộ trình cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam để cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, Việt Nam không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn góp của Bên nước ngoài trong liên doanh. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu này, Khách hàng phải liên doanh với một Bên Việt Nam và tỷ lệ vốn góp tối thiểu của Bên Việt Nam trong liên doanh phải là 01%. Trong trường hợp này, việc thành lập liên doanh sẽ không gặp nhiều khó khăn.

2.4.Dịch vụ bốc xếp hàng hóa: Chính phủ Việt Nam không hạn chế đối với dịch vụ bốc xếp hàng hóa. Do vậy, chúng tôi cho rằng khả năng để triển khai thành lập liên doanh thực hiện dịch vụ bốc xếp hàng hóa có thể thực hiện được.

2.5. Dịch vụ đại lý, môi giới và đấu giá: Chính phủ Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực này. Do vậy, việc cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dịch vụ này hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm riêng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, khả năng để được cấp phép cho dịch vụ này không cao, dưới 10%. Do vậy, chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên xem xét loại bỏ dịch vụ môi giới và đấu giá trong kế hoạch thành lập liên doanh.

3.Thủ tục cấp phép

Lộ trình thực hiện kế hoạch thành lập FIC sẽ được thực hiện với các bước như sau:

3.1.Chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Chúng tôi sẽ thu thâp thông tin và tài liệu cần thiết từ Quý Khách hàng. Sau khi nhận được thông tin cần thiết từ Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt (nếu cần thiết) và chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật cũng như theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hồ sơ đăng ký sẽ được gửi tới Quý Khách hàng để rà soát và cho ý kiến nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung trong hồ sơ đăng ký. Sau khi cập nhật hồ sơ dựa trên ý kiến của Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ xin ý kiến sơ bộ của của cơ quan chức năng về hồ sơ đăng ký. Cuối cùng, chúng tôi sẽ gửi toàn bộ hồ sơ để Quý Khách hàng ký. Thời hạn để hoàn tất bước này dự kiến 12 ngày làm việc.

3.2.Thủ tục cấp phép: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã được ký và đóng dấu hợp lệ bởi Khách hàng, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau 3 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Quý Khách hàng sẽ nhận được Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3.3.Thủ tục sau cấp phép: Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chúng tôi sẽ hoàn thành thủ tục sau cấp phép như đăng bố cáo thành lập FIC, đăng ký mã số thuế, đăng ký con dấu.