Thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

0
430

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vấn đề Thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán trên truyền hình Netviet.

Chúng tôi là các Việt Kiều sinh sống và làm việc ở Thuỵ Điển, hiện nay, chúng tôi không còn giữ quốc tịch Việt Nam, chúng tôi đang rất quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, cụ thể, chúng tôi muốn thành lập công ty có ngành nghề

– Cổng thanh toán điện tử.

– Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử;

– Dịch vụ ví điện tử.

Vậy chúng tôi muốn biết các thông tin pháp lý như sau:

 

Câu hỏi: Việt Nam hiện nay đã có quy định về vấn đề này chưa?

Trả lời: Hiện nay, Việt Nam đã có hành lang pháp lý quy định về những hoạt động nêu trên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những hoạt động nêu trên được xác định là hoạt động trung gian thanh toán và tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư có thể thành lập doanh nghiệp để triển khai dịch vụ nêu trên.

Các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh trực tiếp hoạt động nêu trên gồm có:

  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Khoản 9 Điều 4)
  • Nghị định số 101/2012 về thanh toán không dung tiền mặt (Điều 15 và Điều 16)
  • Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể tham khảo các văn bản này để hiểu thêm về các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Câu hỏi: Vậy trong trường hợp cụ thể của chúng tôi, do không còn quốc tịch Việt Nam, chúng tôi có thể được kinh doanh lĩnh vực này không?

Trả lời: Việt Nam hiện nay đã là thành viên của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong đó có thị trường dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Tuy nhiên, đối với dịch vụ Trung gian thanh toán thì Việt Nam hiện nay không có cam kết mở rộng thị trường.

Vì vậy, đối với nhà đầu tư nước ngoài như trường hợp của bạn, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và quyết định có cấp phép hay không cấp phép cho nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ này.

Câu hỏi: Điều kiện để kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán là gì?

Trả lời: Theo quy định của Nghị định 110 về thanh toán không dung tiền mặt thì các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức;

b) Có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức;

c) Có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng;

d) Điều kiện về nhân sự:

Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức xin phép phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách.

Đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm;

đ) Điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ gồm: cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và quy định của Ngân hàng Nhà nước; hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố; quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật và phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với dịch vụ trung gian thanh toán trong các giao dịch điện tử theo quy định hiện hành của pháp luật.

Câu hỏi: Vậy chúng tôi cần làm các bước gì để có thể triển khai dự án tại Việt Nam?

Trả lời: Để có thể triển khai dự án trong lĩnh vực này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành các bước sau đây:

Bước thứ nhất: Nhà đầu tư sẽ lựa chọn địa bàn đầu tư và chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, là Sở kế hoạch và đầu tư. Thời gian để cơ quan chức năng Việt Nam cấp phép là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bước thứ hai: Nhà đầu tư sẽ lựa chọn loại hình doanh nghiệp, có thể là công ty TNHH, công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp và làm một bộ hồ sơ lên phòng đăng ký kinh doanh để xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thời gian để giải quyết thủ tục này là 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

Bước thứ ba: Sau khi có 2 tài liệu nêu trên, nhà đầu tư sẽ liên hệ với Ngân hàng nhà nước để xin Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Câu hỏi: Vậy quy trình thủ tục cấp phép tại Ngân hàng nhà nước được quy định thế nào?

Trả lời: Quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được quy định như sau:

 

  1. Quy trình cấp phép

a) Tổ chức xin cấp Giấy phép gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (bao gồm 05 bộ) qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này. Tổ chức xin cấp Giấy phép phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp;

b) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra hồ sơ theo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 110;

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thẩm định và cấp Giấy phép hoặc có văn bản từ chối cấp phép trong đó nêu rõ lý do;

d) Tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

 

  1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước quyđịnh;

b) Biên bản hoặc Nghị quyết họp Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị (hoặc Đại hội cổ đông phù hợp với quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức) thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

c) Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

d) Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật và Biên bản nghiệm thu thử nghiệm kỹ thuật với một tổ chức hợp tác;

đ) Hồ sơ về nhân sự: sơ yếu lý lịch, bản sao chứng thực các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

e) Giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức (bản sao chứng thực).

3.Thời hạn Giấy phép

Thời hạn của Giấy phép là 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Câu hỏi: Trong trường hợp nào thì doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép?

Trả lời: Giấy phép nêu trên sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, tổ chức đó không tiến hành triển khai hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép mà không có lý do chính đáng; trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho tổ chức có vi phạm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 110 và phải thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng tổ chức không khắc phục được; tổ chức bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật liên quan.

Xin cám ơn luật sư:

Mời quý vị xem phần tư vấn: