Thời gian thử việc có được hưởng tiền bảo hiểm trả cùng lương không?

0
460

Câu hỏi: Thời gian làm thử việc không phải đóng bảo hiểm xã hội thì có được trả một khoản tiền BHXH vào lương không?

Luật sư sư tư vấn:

Công ty Luât TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Lao Động thì người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận về việc làm thử việc, hai bên được tự do thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ cho phép của pháp luật.

Người sử dụng lao động và người lao động khi thống nhất được về việc làm thử việc thì tiến hành ký kết hợp đồng thử việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Căn cứ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, người lao động ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Bộ luật lao động có một chế định riêng cho hợp đồng thử việc, hợp đồng thử việc có thời hạn tối đa không quá 60 ngày đối với công việc có yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc yêu cầu trình độ trung cấp; 7 ngày đối với công việc khác.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động thì:

“Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.”

Như vậy khi người lao động làm thử việc cho người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nên người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trả cho người lao động một khoản tiền lương towng đương với mức đóng 3 loại bảo hiểm này cho người lao động theo quy định.

Khoản 5 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“5. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có hành vi không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

  1. a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  2. b) Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  3. c) Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  4. d) Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Như vậy thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nếu không trả thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.