Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên đường sắt

0
677

Câu hỏi: Em mới tốt nghiệp và sắp vào làm trong ngành đường sắt, chức vụ là nhân viên đường sắt làm việc trên các toa hàng. Em muốn hỏi về quy chế thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với chức vụ này có khác so với chức vụ khác không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 116 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì “Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, …, các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật này.”

Như vậy, ngành đường sắt sẽ có quy định riêng về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, cụ thể trường hợp của bạn được quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2015/TT-BGTVT về Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên đường sắt làm việc trên đoàn tàu như sau:

“1. Các chức danh nhân viên đường sắt làm việc trên đoàn tàu

a) Lái tàu, phụ lái tàu;

b) Trưởng tàu;

c) Nhân viên, công nhân đường sắt làm việc trực tiếp trên các đoàn tàu khách hoặc đoàn tàu hàng.

2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

a) Các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Thời giờ làm việc không quá 09 giờ trong một ngày và không quá 156 giờ trong một tháng. Thời giờ làm việc tính từ khi lên ban đến khi xuống ban. Nếu làm công việc chuyên dồn hoặc chuyên đẩy cố định ở một ga thì áp dụng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư này;

b) Các chức danh quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này: Thời giờ làm việc không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 208 giờ trong một tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 giờ thì áp dụng theo chế độ làm việc theo ban như sau: thời gian lên ban 8 giờ, thời gian nghỉ tại chỗ 8 giờ. Tại các ga đông khách theo quy định thì nhân viên đang nghỉ tại chỗ có trách nhiệm tăng cường công tác đón tiễn khách với nhân viên đang lên ban.”

Như vậy, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi đối với từng chức vụ sẽ khác nhau. Cụ thể với trường hợp của bạn là nhân viên đường sắt làm việc trên các toa hàng thì thời giờ làm việc không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 208 giờ trong một tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 giờ thì thời gian lên ban 8 giờ, thời gian nghỉ tại chỗ 8 giờ.