Tính đặc thù và nội dung của tập quyền Sở hữu trí tuệ với quyền tác giả

0
367

Như đã trình bày ở trên quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Ở đây tác giả không trình bày lại nội dung của quyền tác giả mà chỉ nêu lên tính đặc thù của quyền tác giả. Coi quyền tác giả như một đối tượng đặc thù của tập quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền tác giả không nhất thiết phải đăng ký, quyền tác giả được xác lập ngay khi tác phẩm được định hình trên một phương tiện vật chất nhất định. Do đó việc xác định quyền tác giả đối với một tác phẩm khi xảy ra tranh chấp là rất khó khăn. Đặc biệt việc xác định đó có phải là một tác phẩm hay không. Vì vậy, khái niệm tác phẩm có một ý nghĩa rất quan trọng đối với quyền tác giả. Định nghĩa tác phẩm giữ một vai trò then chốt trong việc xây dựng và thực thi luật quyền tác giả. Bước đầu tiên khi xử lý bất kỳ một tranh chấp nào về quyền tác giả cũng là việc trả lời câu hỏi: đối tượng tranh chấp có phải là tác phẩm theo định nghĩa của luật quyền tác giả không?

Tác phẩm phải là kết quả của sáng tạo tinh thần của tác giả, phải tạo nên đặc trưng riêng của tác giả. Nó phải mang dấu ấn riêng biệt của năng lực sáng tạo của tác giả. Chính là ở đây mà ý nghĩa của luật quyền tác giả được thể hiện rõ nhất: bảo vệ thành quả tinh thần của riêng tác giả và đảm bảo quyền lợi kinh tế xứng đáng của tác giả trong việc khai thác tác phẩm của mình.

Tác giả trong phạm vi điều chỉnh của luật quyền tác giả chỉ có thể là con người-một pháp nhân tự nhiên-chứ không thể là một pháp nhân phi tự nhiên như các công ty, hiệp hội hay các tổ chức.

Một số tiêu chí không quan trọng với quyền tác giả

–  Tính mới của tác phẩm

Quyền tác giả không bảo hộ một sản phẩm mới, mà bảo hộ thành quả sáng tạo cá nhân. Vì vậy tính mới khách quan của một tác phẩm không phải là điều kiện tiên quyết để tác giả của nó hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, để tác phẩm là thành quả sáng tạo mang đặc trưng cá nhân, nó phải mang một cái gì đó mới của tác giả. Người ta goị đó là tính mới chủ quan. Điều này không có nghĩa là mọi cái mới đối với tác giả cũng được bảo hộ. Tác phẩm một sản phẩm tinh thần hình thành từ việc sử dụng các thành quả của văn học nghệ thuật chung nào đó sẽ không được hưởng quyền tác giả dù anh ta (về mặt chủ quan) không biết đó là các thành quả chung.

–   Mục đích ý nghĩa của tác phẩm

Tác giả của một tác phẩm đương nhiên hưởng quyền tác phẩm do mình sáng tạo, không phụ thuộc vào mục đích, ý nghĩa của tác phẩm, không phụ thuộc vào việc nó có thể được sử dụng kinh doanh hay nhằm một mục đích nào đó hay không.

–  Công sức và chi phí

Quyền tác giả không bảo hộ sự đầu tư. Vì vậy công sức hay chi phí làm nên một tác phẩm tinh thần không thể là lý do để nó được công nhận là một tác phẩm.

–  Phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức

Quyền tác giả bảo hộ sự sáng tạo tinh thần mang tính cá nhân. Tác giả của các tác phẩm được xây dựng bằng các vật liệu có được một cách phi pháp, hay đi ngược lại đạo đức, ngược lại các tư tưởng chính thống… cũng vẫn được hưởng quyền tác giả đối với các tác phẩm “có vấn đề” đó.

– Chất lượng và khối lượng

Chất lượng của tác phẩm hay quan điểm đúng sai, tốt xấu của tác giả cũng không ảnh hưởng gì đến quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Nói chung, khối lượng hay phạm vi của một sản phẩm tinh thần không ảnh hưởng đến việc công nhận nó là một tác phẩm hay không. Ngay cả một bức tranh nhỏ xíu hay một đoạn thơ vài dòng cũng có thể là một tác phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là sản phẩm đó phải thể hiện một nội dung tinh thần và mang đặc trưng cá nhân của tác giả. Điều này rất khó thực hiện trong vài câu chữ hay trong một bức tranh đơn giản và nhỏ.