Tính pháp lý của vé trông giữ phương tiện viết tay

0
1463

Nhận lời mời của ban biên tập báo An ninh thủ đô điện tử, luật sư Nguyễn Tiến Hoà từ SBLAW đã trao đỏi một số nội dung như sau:

Thời gian qua tại nhiều địa bàn Hà Nội hiện vẫn tồn tại nhiều điểm trông giữ xe tự phát với vé viết tay. Trước tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ xử lý nghiêm các điểm trông giữ xe vi phạm dùng phiếu viết tay. Liên quan đến vấn đề này xin Luật sư tư vấn về một số nội dung:
1. Tính pháp lý của vé trông giữ phương tiện viết tay? Người dân khi gửi xe tại các điểm trông giữ xe nhưng không đưa vé hoặc đưa vé viết tay sẽ gặp rủi ro ra sao?
Khi người dân thực hiện việc gửi xe và các tổ chức/ cá nhân nhận trông giữ xe đồng nghĩa với việc giữa hai bên đã xác lập một giao dịch dân sự, mà cụ thể ở đây là xác lập Hợp đồng gửi giữ Tài sản. Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Như vậy, có thể hình dung Hợp đồng gửi giữ tài sản ở đây được xác lập bằng miệng, căn cứ pháp lý duy nhất thể hiện giao dịch giữa hai bên là vé giữ xe. Do đó, trong trường hợp không đưa vé hoặc nếu vé không có giá trị thì việc gửi/giữ xe cũng không có giá trị, dẫn đến việc người dân khi gửi xe có thể sẽ chịu thiệt thòi nếu mất xe vì không chứng minh được sự xác lập giao dịch giữa hai bên.
2. Quy định về vé trông giữ xe hợp lệ, cách phân biệt giữa vé hợp lệ và vé tự viết để người dân có thể nắm được?
Thông tư 39/2014/TT – BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010 và Nghị định số 04/2014 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã quy định về các loại hóa đơn trong đó có bao gồm tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…. Như vậy theo quy định tại Thông tư này thì vé trông giữ xe cũng được xem là một loại hóa đơn và được phát hành bởi cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân tự in vé trông giữ xe thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký sử dụng mẫu vé xe tự in với cơ quan thuế theo quy định tại Thông tư này.
Việc tự ý in vé trông giữ xe không đúng với quy định pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư 10/2014/TT – BTC, tùy vào các hành vi vi phạm mà pháp luật đã quy định các mức xử phạt khác nhau.
3. Chế tài xử lý đối với các điểm trông giữ xe không phép, các điểm trông giữ không đưa vé đúng quy định cho chủ phương tiện, các điểm trông giữ thu phí quá giá quy định tại Hà Nội.
– Hiện nay về mặt nguyên tắc, pháp luật chỉ quy định xử phạt đối với các trường hợp không đăng ký kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Nghị định 39/2007/NĐ – CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh đã quy định như sau:
“1. Cá nhân hoạt động th¬ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ¬ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như¬ng không thuộc đối t¬ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th¬ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th¬ương mại sau đây:
……………
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
…………….”
Như vậy theo quy định tại Nghị định này thì các cá nhân thực hiện kinh doanh trông giữ xe sẽ không cần tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước.
– Hiện tại, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ – UBND ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện), xe máy (kể cả xe máy điện), xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội; theo đó tại Điều 6 đã quy định các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Cụ thể, các trường hợp trông giữ thu phí quá giá quy định sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính được quy định tại 109/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2016/NĐ – CP); cụ thể như sau:
“Điều 8. Hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quy định, trừ các hành vi quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều này.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, trong trường hợp khó hoặc không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước”.