Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thế nào là đúng luật?

0
405
Nhận lời mời của báo Nhịp cầu đầu tư, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về việc Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê của Vingroup với MVP trong cụm rạp Platinum?
Khi hai bên ký hợp đồng thuê nhà, như giữa Vingroup và MVP cho xây rạp Platinum, thời hạn 15-20 năm nhưng nay Vingroụp lấy lại mặt bằng, thì hợp lý và có đúng luật không ạ?
Trả lời: Khi ký kết và thực hiện hợp đồng, các bên phải thể hiện thái độ thiện chí và hợp tác và tôn trọng các điều khoản hợp đồng trong đó có điều khoản về thời hạn hợp đồng. Trong trường hợp này, Vingroup lấy lại mặt bằng có đúng luật hay không thì cần phải có nội dung hợp đồng giữa 2 bên để hiểu được các quyền và nghĩa vụ cũng như quy định trong điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Nếu trong hợp đồng có điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng với các dự liệu là nếu mốt bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên kia có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Trong trường hợp này, qua những gì báo chí nêu, thì thấy có việc MVP đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán và một số nghĩa vụ khác, nếu hợp đồng giữa 2 bên có điều khoản là cho phép Vincom được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì những vi phạm này thì họ có quyền.
Tôi nhấn mạnh là hợp đồng là sự thoả thuận giữa 2 bên và là luật giữa các bên.
Vingroup nói rằng, họ căn cứ vào hợp đồng đã ký kết từ trước về hủy hợp đồng trước hạn và đã đề xuất mức bồi thường, vậy thì hủy hợp đồng trước hạn này có giống với các thông lệ quốc tế không? Trên thế giới, những trường hợp như thế này có phổ biến không ạ?
Trả lời: Việc huỷ hơp đồng trước thời hạn là một sự chấm dứt hợp đồng mà các bên đều không mong muốn đặc biệt là trong hoạt động hợp tác quốc tế, tuy nhiên, đôi khi nó vẫn diễn ra do có nhiều lý do phát sinh trong quá trình hợp tác như một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, một trong các bên khó khăn về tài chính, nhân sự không thể triển khai.
Tuy nhiên, thông lệ về hơp đồng quốc tế đều lưu ý là việc huỷ hợp đồng trước thời hạn phải căn cứ vào điều khoản quy định trong hợp đồng, nếu điều khoản trong hợp đồng không quy định thì sẽ căn cứ vào luật.
Nếu các bên tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì nó là đúng luật.
Các doanh nghiệp cho rằng như thế rất rủi ro cho người thuê. Vậy thì có cách nào để người đi thuê giảm được rủi ro bị lấy lại mặt bằng đột xuất?
Trả lời: Một trong những vai trò của quan trọng của hơp đồng là lường trước và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, trong hợp đồng thì quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia, vì vậy, theo quan điểm của tôi, MVN là một công ty tiến hành hoạt động quốc tế, họ cũng có một đội ngũ tư vấn luật về hợp đồng, vì vậy, có thể họ cũng đã có những tư vấn và rà soát và lường trước tất cả những vấn đề này rồi.
Còn trong trường hợp họ không lường trước được thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên cho thuê sẽ dẫn tới việc khó khăn của bên thuê, vì vậy, để hạn chế rủi ro, các bên khi tham gia hợp đồng đặc biệt là quốc tế và có giá trị lớn cần thành lập một tổ tư vấn với sự tham gia của bộ phần tài chính, kinh doanh và pháp lý để đưa ra dự thảo và chiến lược đàm phán với mục tiêu là dự liệu được các rủi ro về pháp lý, tài chính và sẽ chủ động xử lý khi có khủng hoảng xảy ra.