Trái phiếu khởi nghiệp: Còn nhiều khó khăn

0
489

Số lượng doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở nước ta tăng theo thời gian. Tuy nhiên, để thúc đẩy cộng đồng startup phát triển vững mạnh và có sức bật mạnh mẽ hơn, các cơ quan chức năng cần phải có chính sách cụ thể, đặc biệt trong vấn đề huy động vốn.

Kể từ thời điểm Chính phủ mới phát động tinh thần khởi nghiệp từ đầu năm 2016 với nhiều thay đổi về tư tưởng và chính sách, hướng tới đặt trọng tâm vào khối doanh nghiệp tư nhân, câu chuyện khởi nghiệp được cập nhật thường xuyên và liên tục hơn. Trong quan điểm của Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân luôn đóng vai trò chính để đẩy nền kinh tế tiến lên. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này liên tục được ban hành, đẩy mạnh triển khai.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có sự hỗ trợ về nhiều mặt, tinh thần startup lên rất cao nhưng hoạt động của khối doanh nghiệp startup vẫn còn gặp rất nhiều sự khó khăn. Đặc biệt trong đó, nguồn vốn được xem là yếu tố sống còn đối với các startup hiện nay nhưng “con đường” huy động vốn ở Việt Nam chưa hề dễ dàng so với các nước trong khu vực.

Cách đây hơn một năm, một ý tưởng về hình thức phát hành trái phiếu khởi nghiệp đã được nêu ra nhằm tạo cơ chế cho hoạt động gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy định về việc phát hành trái phiếu khởi nghiệp nên ý tưởng này sau đó đã không được tiếp tục thực hiện. Tại buổi hội thảo: “Kinh tế số thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng 4.0”, Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Moca cho biết: “Ở Việt Nam DN startup không thể phát hành trái phiếu vì chưa có Luật. Để nhận vốn đầu tư chúng tôi phải lách”.

Bản chất của trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể, và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn.

So với đi vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp có độ “lỏng” hơn rất nhiều so với chứng khoán phát hành thêm, khi sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt. Trong khi đó, đối với việc huy động vốn bằng cổ phiếu, hình thức này không phải lúc nào cũng khả thi, và còn chịu biến động, rủi ro của thị trường, dù là doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết.

Thế nhưng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), để doanh nghiệp được phát hành trái phiếu thì:

–  Doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm;

– Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua;

– Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Hay theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có quy định về điều kiện để phát hành trái phiếu như sau:

Đối với trái phiếu không chuyển đổi

– Doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu là một (01) năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động;

– Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước ngày 01 tháng 4 hàng năm chưa có báo cáo tài chính năm của năm liền kề được kiểm toán thì phải có:

+ Báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi;

+ Báo cáo tài chính quý gần nhất với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được kiểm toán (nếu có);

+ Báo cáo tài chính của năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt theo Điều lệ hoạt động của công ty.

– Đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại pháp luật chuyên ngành;

– Có phương án phát hành trái phiếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định này.

Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền

Doanh nghiệp phát hành ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Thuộc đối tượng được phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền;

– Đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành;

– Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu (06) tháng.

Chiếu theo các quy định trên thì ý tưởng gọi vốn trái phiếu cho startup ngay từ đầu là một điều không thể.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có thể có một cách cho các Startup gọi vốn gián tiếp qua hình thức trái phiếu bằng việc định hình và xây dựng một quỹ đầu tư startup và quỹ này sẽ thực hiện phát hành các mini-bonds cho các trái chủ là các nhà đầu tư nhàn rỗi trên thị trường. Nhờ đó sẽ giải quyết được vấn đề là về cơ chế để phát hành trái phiếu vẫn tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành. Sau đó, các quỹ này sẽ đầu tư vào nhiều startup khác nhau và ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có thể chỉ là phôi thai ban đầu, có thể đã có hình hài cụ thể và bước đầu có doanh thu và tăng trưởng. Làm như vậy sẽ đa dạng hóa được rủi ro cho các quỹ đó, đồng thời các dự án startup cũng sẽ được tổ chức có uy tín để xác định triển vọng và tiềm năng phát triển thực sự của mình.

Ngoài ra, khi thực hiện phát hành các mini-bonds (mỗi mini-bonds có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng với kỳ hạn tương đối dài) cũng sẽ dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia góp vốn hơn.

Nhưng trái phiếu Startup cũng là một khoản nợ có kỳ hạn, xây dựng dựa trên niềm tin vào một Startup. Vì thế, các Startup-ers cũng phải là những người có năng lực, tầm nhìn thật sự và đương nhiên các ý tưởng Startup cũng phải có tính đột phá mới có thể mang lại giá cộng hưởng cho các trái chủ.