Triển khai thực hiện dự án đầu tư

0
341

Luật đầu tư quy định về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư như sau:

Thuê, giao nhận đất thực hiện dự án

1. Đối với dự án đầu tư có yêu cầu sử dụng đất, nhà đầu tư liên hệ với cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền nơi thực hiện dự án để thực hiện thủ tục giao đất hoặc thuê đất.

Trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Trong trường hợp nhà đầu tư đã được bàn giao đất mà không tiến hành triển khai dự án trong thời hạn quy định hoặc sử dụng đất sai mục đích thì bị thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai và bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Chuẩn bị mặt bằng xây dựng

1. Đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất.

Việc thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Đối với trường hợp nhà đầu tư thuê lại đất của người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì nhà đầu tư có trách nhiệm tự tổ chức thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trường hợp nhà đầu tư đã có thỏa thuận với người sử dụng đất về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng mà người sử dụng đất không thực hiện các nghĩa vụ như đã thỏa thuận thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có dự án đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Thực hiện dự án đầu tư có khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản

Dự án đầu tư có khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.

Thực hiện dự án đầu tư có xây dựng

1. Đối với dự án đầu tư có xây dựng thì việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và bảo vệ môi trường.

Giám định máy móc, thiết bị

Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về giám định giá trị và chất lượng của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định, thực hiện dự án đầu tư.

Tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam

1. Nhà đầu tư được trực tiếp hoặc thông qua đại lý để tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam mà không bị giới hạn về địa bàn tiêu thụ; được làm đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân khác có cùng loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

2. Nhà đầu tư tự quyết định giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung ứng; trường hợp hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá thì giá bán được thực hiện theo khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Tài khoản ngoại tệ, tài khoản tiền đồng Việt Nam

1. Nhà đầu tư được mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản tiền đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, nhà đầu tư được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài.

2. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bảo hiểm

Nhà đầu tư thực hiện việc bảo hiểm tài sản và các bảo hiểm khác trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm ký với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

Thuê tổ chức quản lý

1. Nhà đầu tư được thuê tổ chức quản lý để quản lý đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh của dự án đầu tư đối với các lĩnh vực cần có kỹ năng quản lý chuyên sâu, trình độ cao.

2. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức quản lý trước pháp luật Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý ghi trong hợp đồng.

3. Tổ chức quản lý chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư về quản lý đầu tư và hoạt động kinh doanh của dự án đầu tư; phải tuân thủ pháp luật Việt Nam trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định trong hợp đồng; chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về những hoạt động của mình nằm ngoài phạm vi hợp đồng.

Tạm ngừng dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư

1. Nhà đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được xác nhận làm cơ sở cho việc xem xét miễn, giảm tiền thuê đất trong thời hạn tạm ngừng dự án.

2. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện theo một trong những trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư;

2. Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, Điều lệ doanh nghiệp hoặc thỏa thuận, cam kết của các nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án;

3. Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

4. Chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước quản lý đầu tư hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài do vi phạm pháp luật.

Bảo lãnh của Nhà nước cho một số công trình và dự án quan trọng

Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Luật này, Chính phủ quyết định các dự án đầu tư quan trọng và quyết định việc bảo lãnh về vốn vay, cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, thanh toán và các bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khác cho dự án; chỉ định cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc bảo lãnh