Câu hỏi:
Hiện nay, nhận thấy mối quan hệ giữa hai vợ chồng không còn hạnh phúc và bản thân tôi muốn được ly hôn, có hai trường hợp như sau:
– Nếu tôi bàn bạc được với chồng tôi thuận tình ly hôn thì sẽ gửi đơn về tòa án nào? Vì tôi hộ khẩu thường trú tại Phú Thọ, chồng tôi thường trú tại Hà Nội nhưng có đăng ký tạm trú tại Phú Thọ từ năm 2016 đến nay.
– Nếu chồng tôi không chịu ký đơn thuân tinh ly hôn thì tôi buộc phải viết đơn đơn phương ly hôn, vậy tôi sẽ nộp đơn ở tòa án nào? Và hồ sơ phải có những giấy tờ gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
- Tòa án nộp đơn thuận tình ly hôn
Theo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:
“h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.
Nơi cư trú của công dân được quy định theo Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
- Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Như vậy, bạn nộp đơn thuận tình ly hôn tại Toà án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc. Hiện nay, bạn đăng ký thường trú tại Phú Thọ và chồng bạn đăng ký tạm trú tại Phú Thọ. Nên bạn hoàn toàn có thể nộp đơn thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân huyện để được giải quyết.
2. Tòa án nộp đơn đơn phương ly hôn
Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định như sau:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; …”.
Trong trường hợp này, bạn là nguyên đơn còn chồng bạn là bị đơn. Do đó, bạn nộp đơn đơn phương ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc; tức là bạn có thể nộp đơn tại Tòa án nhân dân huyện mà chồn bạn đang tạm trú hoặc Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi chồng bạn đăng ký thường trú (quận/ huyện thuộc thành phố Hà Nội).
Hồ sơ đơn phương ly hôn bao gồm:
– Mẫu đơn xin ly hôn;
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng;
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở;
– Bản sao giấy khai sinh của con.