Tư vấn về việc hủy hợp đồng thương mại

0
318

Câu hỏi:

Công ty mình (công ty sản xuất thương mại) có bán cho khách hàng theo 1 đơn đặt hàng, theo quy định trong đơn đặt hàng, khách hàng phải chuyển đặt cọc 40% giá trị đơn hàng để bên mình đem nguyên liệu ra sản xuất, khách hàng đã đặt cọc theo đúng yêu cầu và bên mình đã cho sản xuất lô hàng này.

 Sau đó, khách hàng đã đến xem và chấp thuận. Theo thỏa thuận là sau khi nhận được 60% số tiền hàng còn lại bên mình sẽ giao hàng vào ngày 15/6/2017. Nhưng đến nay vẫn không có một tin tức hồi âm, giờ bên mình muốn hủy bỏ hợp đồng và không trả lại tiền cọc thì cần phải làm văn bản gì để gửi cho khách hàng?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn, SB LAW xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn không nêu rõ vấn đề hủy bỏ hợp đồng giữa bạn và khách hàng có được đề cập trong hợp đồng đã giao kết không, nếu có thì việc hủy bỏ hợp đồng và các nghĩa vụ khi hủy bỏ sẽ được iến hành theo các điều khoản đó.  Nếu trong hợp đồng không đề cập thì theo quy định tại Điều 312 Luật Thương mại 2005 về vấn đề hủy bỏ hợp đồng:

“Điều 312. Huỷ bỏ hợp đồng

  1. Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
  2. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.
  3. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
  4. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”.

Như vậy, nếu bên kia họ vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng hoặc 2 bên đã thỏa thuận đây là một trong những điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 314 Luật Thương mại 2005:

“Điều 314. Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng

  1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật này, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
  2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
  3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này”.

“Điều 315. Thông báo tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng

Bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại”.

Như vậy khi muốn hủy bỏ hợp đồng, bạn cần thông báo ngay cho khách hàng.

Về vấn đề tiền đặt cọc, nếu trước đó bạn và bên kia có thỏa thuận đặt cọc thì thời điểm hiện tại, khách hàng từ chối việc thực hiện hợp đồng đặt cọc thì bên bạn căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 sẽ được nhận tài sản đặt cọc đó:

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Hợp đồng bị hủy bỏ là do lỗi của bên khách hàng nên nếu chứng minh được thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng gây ra, bạn còn có thể yêu cầu khách hàng bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 302 Luật thương mại 2005, như sau:

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.