Từ vụ Khải Silk và Asanzo: Sai phạm liệu có dấu hiệu hình sự?

0
650

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời tạp chí pháp lý về những nội dung liên quan tới vụ Khải Silk và Asanzo

Thực trạng vấn đề:

Cuối năm 2017 một khách hàng người Việt bức xúc khi mua một lô hàng 60 khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đã phát hiện một sản phẩm trong đó vừa có mác “Khaisilk Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Khách hàng này toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông “bán 50% lụa ‘Made in China’ trong hệ thống của mình” và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Link bài tham khảo: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/khaisilk-thua-nhan-ban-khan-trung-quoc-xin-loi-va-hua-boi-thuong-c46a913205.html

Chiều 25-6, bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty CP điện tử Asanzo.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc báo chí phản ánh Công ty CP điện tử Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giao văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Link bài tham khảo: https://tuoitre.vn/chu-tich-asanzo-san-pham-cua-chung-toi-khong-phai-hang-viet-nam-20190625081152251.htm

 

PV Pháp lý xin gửi tới luật sư một số vấn đề sau:

1, Thưa Luật sư, điểm giống và khác nhau giữa hai vụ việc của khăn lụa Khaisilk và Ti vi Asanzo là gì?

Trả lời:

Tình huống của Asanzo khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện hàng Trung Quốc nhưng thay tem mác của thương hiệu Khaisilk. Tuy nhiên, không thể chủ quan nhận định rằng hai tình huống này là giống nhau.

Khaisilk sử dụng khăn lụa Trung Quốc cắt mác đi và thay vào đó là lụa tơ tằm Việt Nam. Hành vi làm giả ở đây là khăn của Trung Quốc nhưng lại giả mạo là lụa tơ tằm Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các làng nghề và những đơn vị cung cấp lụa tơ tằm cho Khaisilk vô hình chung đang bị làm giả, làm nhái bởi chính hành vi mua lụa từ Trung Quốc của doanh nghiệp này. Hơn thế nữa, hành vi của Khaisilk còn làm ảnh hướng rất lớn đến thương hiệu và uy tín của lụa Việt Nam.

Còn trong trường hợp của Asanzo họ mua linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp tại Việt Nam với thương hiệu riêng của họ, trường hợp này, cần thận trọng đợi kết luận của cơ quan chức năng và giải trình của công ty, nếu họ nhập hang, có chữ made in china, nhưng họ không để lại dòng chữ này, có hành vi dán đè lên, hoặc bóc tem đi, dán chữ Made in Vietnam lên, thì có thể có hành vi vi phạm pháp luật.

Còn nếu họ vẫn để dòng chữ đó, lắp ráp sản phẩm thành phẩm, có thể dán chữ made in Vietnam ở ngoài sản phẩm thì hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể.

2, Dưới góc nhìn pháp lý, theo luật sư, hướng xử lý 2 vụ việc này là như thế nào?

Trả lời:

 

Dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng cần tiến hành thanh tra và làm việc với Asanzo, sau đó sẽ đề ra hướng xử lý cụ thể và khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là các quy định về việc ghi Made in Vietnam.

Tôi cũng nhấn mạnh một điều là, hiện nay, các quy định về vấn đề này chưa rõ rang và thiếu hành lang pháp lý, việc xử lý Asanzo cần sự thận trọng và tính tới việc bảo hộ quyền của doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với công ty TNHH Khải Đức của doanh nhân Hoàng Khải (Khaisilk) có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng, hiện đã tiến hành khởi tố vụ án, cần quá trình điều tra và có kết luận điều tra.

3, Thưa Luật sư, vụ việc Khảisilk đã khởi tố, còn Asanzo là nghi án thì xử lý như nào? Nếu thông tin công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước là chính xác thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa nêu rõ: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Tại Khoản 11 điều này cũng nêu rõ: “Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa”.

Với những gì mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh thì hành vi của Asanzo có thể đã vi phạm vào điều 10 về các hành vi bị cấm trong luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, như tôi đã khẳng định phía trên, cần hết sức thận trọng trong việc xử lý vụ việc từ cơ quan chức năng.

Cụ thể, tại khoản 1 điều này đã ghi rất rõ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

Hàng hoá, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Để xác định đúng tính chất của vụ việc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và cũng cần có sự lắng nghe, giải trình từ phía doanh nghiệp.

4, Cả 2 vụ trên có dấu hiệu hình sự không? Nếu có thì bị xử lý như nào, thưa ông?

Trả lời:

Trong trường hợp Khaisilk, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và có thể áp dụng theo Điều 192 Bộ Luật Hình Sự 2015 và được áp dụng vào ngày 1/1/2018, thì doanh nghiệp này có thể bị sẽ bị phạt từ 1 – 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng – 3 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn 1 – 3 năm.

Đối với vụ Asanzo, như đã nói ở trên, Asanzo có thể có dấu hiệu của hành vi ‘Lừa dối khách hàng’ theo quy định của điều 198 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Điều 9 có quy định Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của Pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Như vậy, việc Asanzo không nhắc gì đến hàng hóa và linh kiện của mình có xuất xứ từ Trung Quốc là sai quy định của pháp luật.

Tất nhiên, những điều này đều này chỉ dựa trên văn bản Luật hiện hành và kết luận cuối cùng sẽ phải đợi cơ quan chức năng và Tòa án.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!