Ứng dụng rởm “móc” túi người dùng: Trách nhiệm của nhà mạng ở đâu?

0
548

Bán đầu số cho các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đầu số lừa đảo, móc túi người dùng, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm liên đới nều cùng thỏa thuận để lừa rối người sử dụng điện thoại di động.

 

mạng di động

Ảnh minh họa.

Lừa đảo, vi phạm luật Viễn thông

Sau khi đưa tin về việc Lộ diện đường dây sản xuất ứng dụng “rởm” móc túi người dùng di động, cảnh báo tình trạng các người dùng sẽ bị mất tiền khi tải về các ứng dụng rởm, khi cài đặt sẽ bị trừ tiền 15.000 đồng trong tài khoản chính, BizLIVE đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi.

Theo đó, nhiều người cho rằng việc các nhà mạng di động hiện nay đang cung cấp dịch vụ đầu số SMS tràn lan cho các cá nhân, doanh nghiệp. Sau đó, các đối tượng này đã thỏa sức khai thác các đầu số SMS bằng mọi cách để kiếm lợi, trong đó có việc sản xuất hàng nghìn ứng dựng “sao chép” các phần mềm nổi tiếng, nhưng thực chất chỉ đề lừa đảo tiền của người dùng. Hành vi này đang diễn ra khá phổ biến, nhưng lại chưa được ngăn chặn một cách đúng mức.
Trở lại với trường hợp độc giả phản ánh tới BizLIVE về việc bị trừ tiền, khi người dùng phản hồi lại với nhà mạng, nhân viên Tổng đài chăm sóc khách hàng (cụ thể là trường hợp Vinaphone) đã xác nhận đầu số 8×57 do đối tác của nhà mạng quản lý.
Tuy nhiên, trả lời việc trừ tiền cước, nhân viên của Vinaphone cho biết, phần mềm khách hàng cài đặt tự động gửi tin nhắn, Vinaphone chỉ thực hiện trừ khi nhận được tin nhắn gửi từ thuê bao của khách hàng.

Trao đổi với BizLIVE về vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw cho biết, hiện tượng trên là hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật Viễn thông của Việt Nam.

Theo luật sư Hà, Quy định tại điều 74 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định về việc vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, khi một tổ chức và cá nhân có hành vi lừa đảo qua các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, các đối tượng này còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo của mình theo định tại điều 226b của Bộ Luật hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo khoản 4 của điều 226b thì mức phạt cao nhất có thể là từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân khi có hành vi có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhà mạng chịu trách nhiệm nếu thoả thuận lừa khách hàng

Một điểm đáng quan tâm là trách nhiệm của nhà mạng đến đâu khi tình trạng này diễn ra đã lâu và không chỉ riêng một vài nhà mạng, người dùng đã bị móc túi âm thầm mà không hay biết.

Luật sư Hà cho rằng, trong trường hợp nhận thấy phản hồi của cơ quan báo chí, của người tiêu dùng thì nhà mạng cần có sự thẩm tra, xác minh và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, tránh trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dùng.

 
3luatsu_slee

Ls Lê Quang Minh (trái), luật sư Nguyễn Thanh Hà (giữa), Ls Lê Văn Thiên (phải).

Về vấn đề này, luật sư Lê Quang Minh, Văn phòng Luật sư Minervas phân tích, quan hệ giữa người sử dụng điện thoại di động và nhà mạng là quan hệ hợp đồng. Quan hệ giữa cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng và nhà mạng thông thường cũng là quan hệ hợp đồng.
“Tôi không nhìn thấy có sự vi phạm hợp đồng giữa nhà mạng và người sử dụng điện thoại di động. Nhà mạng và cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng là những chủ thể riêng biệt.

Nhà mạng sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới với cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng trừ trường hợp cùng thỏa thuận để lừa rối người sử dụng điện thoại di động”, luật sư Minh cho hay.

Tuy nhiên cũng theo luật sư Minh khi hiện tượng đã trở thành phổ biến, nghiêm trọng gây thiệt hại cho xã hội và người sử dụng dịch vụ điện thoại di động, có dấu hiệu tội phạm, và nhà mạng đã được phản ánh thì nhà mạng, về mặt về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm trước khách hàng, và pháp luật, có nghĩa vụ tố cáo, áp dụng các biện pháp để bảo vệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động.

Có thể đòi lại tiền!

Ngoài ra, luật sư Minh dẫn Điều 389 Bộ luật dân sự về nguyên tắc hợp đồng dân sự quy định hai nguyên tắc là “1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”; và “2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” cho biết, khi người sử dụng điện thoại di động tải ứng dụng và sau đó nhắn tin theo hướng dẫn thì người sử dụng điện thoại di động đã tham gia vào giao dịch với cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng.

Tuy nhiên, nguyên tắc “trung thực và ngay thẳng” đã không được cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng tuân thủ, cụ thể họ đã không làm rõ là khi nhắn một tin theo hướng dẫn đó thì người sử dụng điện thoại di động sẽ bị trừ một số tiền cụ thể nào đó ví dụ là 15.000 đồng từ tài khoản.

Luật sư Minh cũng nhấn mạnh rằng, theo quy định của pháp luật, giao dịch này là giao dịch vô hiệu do ảnh hưởng của sự lừa dối và người sử dụng điện thoại di động có quyền đòi lại số tiền đã bị trừ trong tài khoản từ phía cá nhân hay tổ chức thuê đầu số của nhà mạng.

“Sẽ không ai sẽ bỏ thời gian và công sức chỉ để đòi 15.000 đồng tuy nhiên những người sử dụng điện thoại đã bị mất tiền có thể tiến hành việc đòi tiền thông qua một người đại diện của mình”, luật sư Minh kết luận.

Cần quản lý chặt các đầu số dịch vụ

Luật sư Lê Văn Thiên, Công ty luật Thái An cho biết: Các đối tượng dùng những hình thức lừa đảo, chiếm đoạt bằng cách lợi dụng tín nhiệm, cũng như mục đích có nhiều điểm giống tội phạm truyền thống về mục đích phạm tội, về thủ đoạn phạm tội. Cũng giống như tất cả các loại tội phạm, các đối tượng này cũng nhằm mục đích tư lợi, chiếm hưởng trái phép tài sản của người khác. Thủ đoạn của tội phạm này cũng là thủ đoạn gian dối.
Tuy nhiên, thực tế điều tra cho thấy có một điểm căn bản, tạo ra sự khác biệt giữa tội phạm công nghệ và tội phạm truyền thống chính là phương tiện phạm tội. Không cần dùng chìa khóa vạn năng, tội phạm công nghệ vẫn có thể xâm nhập được vào “kho tiền” của người khác để chiếm đoạt. Bởi vì, tội phạm công nghệ cao sử dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin để phạm tội.
Chính vì vậy, quản lý chặt việc khai thác các đầu số dịch vụ của các CP là một biện pháp để có thể loại trừ tận gốc các phần mềm chứa mã độc nhắn tin đến đầu số thu phí, và nạn phát tán tin nhắn rác. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, phát hiện các dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan công an trong việc điều tra xử lý tổ chức, cá nhân phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin.
Quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên đầu số dịch vụ của mình; nghiêm túc, tích cực thực hiện các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chủ động phối hợp với doanh nghiệp viễn thông di động trong việc xử lý các khiếu nại về dịch vụ nội dung liên quan tới dịch vụ của mình.
Niêm yết, công khai đầy đủ, rõ ràng giá, cước dịch vụ, đồng thời phải cung cấp các thông tin về điều kiện cấu hình, loại máy điện thoại nào mới có thể sử dụng được dịch vụ khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in, tờ rơi, v.v…; công bố đầy đủ thông tin về giá, cước của dịch vụ ngay bên cạnh cú pháp tương ứng với dịch vụ đó trên trang tin điện tử của mình và trong các chương trình quảng cáo.
Khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, dịch vụ nhắn tin trúng thưởng hoặc các chương trình bình chọn, quyên góp, ủng hộ phải niêm yết, cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin về giá cước.

Nguồn: http://bizlive.vn/thuong-truong/ung-dung-rom-moc-tui-nguoi-dung-trach-nhiem-cua-nha-mang-o-dau-1067944.html