Vấn đề chỉ số nộp thuế của Việt Nam

0
357

Về vấn đề chỉ số nộp thuế của Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời kênh VITV về vấn đề này như sau:

PV: Thưa ông, Theo đánh giá của ngân hàng thế giới chỉ số môi trường kinh doanh bị trễ mất 2 năm. Cho nên những đóng góp của chúng ta đây nếu ghi nhận thì ghi nhận vào năm sau.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 cập nhật của World Bank đưa ra sau khi thay đổi phương pháp tính toán, Việt Nam đã tụt 6 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong đó, chỉ số nộp thuế năm 2014 của Việt Nam giảm 22 bậc, xuống còn 171.

Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Luật sư trả lời:

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh cập nhật 2015 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/1/2015 thì chỉ số nộp thuế của VN bị tụt 22 bậc, xuống đứng thứ 171 trên thế giới.

Lý do chính là số giờ nộp, làm thủ tục về thuế và bảo hiểm xã hội của VN lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Không những thế, tổng thuế suất mà doanh nghiệp phải nộp cũng cao hơn mức trung bình của ASEAN.

Cụ thể, doanh nghiệp VN phải mất 40,8% lợi nhuận để nộp thuế trong khi mức trung bình của ASEAN chỉ là 31,4%. Ngoài ra, VN đang là nước có số giờ nộp thuế (cả bảo hiểm xã hội) lớn nhất Đông Nam Á với 872 giờ nộp thuế (đây là số liệu cập nhật giữa năm 2014).

Với thứ hạng bị tụt xuống 22 bậc, VN đã đánh mất lợi thế cạnh tranh về môi trường kinh doanh thuận lợi hơn so với trước đây. Cũng theo thông tin tôi được biết thì Tổng Cục Thuế đang đề nghị WB xem xét lại cơ sở dữ liệu của mình. Đại diện của Tổng Cục Thuế đã tỏ ra rất bất ngờ với xếp hạng của WB về chỉ số thuế của VN. Vì xếp hạng này có ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong năm 2014, Chính phủ và Tổng Cục Thuế đã rất nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục hành chính về thuế, đã giảm được 370 giờ nộp thuế như công bố vào cuối năm 2014. Chính vì vậy mà xếp hạng của WB cho VN đứng thứ 171 trên 189 quốc gia được khảo sát khiến dư luận cũng như Tổng Cục Thuế hết sức ngỡ ngàng.

Theo nguồn tin mà Báo Điện tử VTV đưa ngày 17/1/2015 thì bà Wendy Werner, Giám đốc Phụ trách Thương mại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “báo cáo về môi trường kinh doanh được công bố không bao gồm những gì đã diễn ra trong một năm bình thường theo lịch, đặc biệt đối với thuế, chúng tôi phải lấy những dữ liệu về thuế của các doanh nghiệp trong năm trước đó. Chính vì thế, có một số sự khuyết về mặt thời gian trong cách tính chỉ số thuế trong báo cáo. Báo cáo này không bao gồm những cải cách về thuế mà Việt Nam đã làm trong năm 2014. Việt Nam đang đi đúng hướng trong một số cải cách thuế của mình. Những cải cách này sẽ đưa vào báo cáo tiếp theo”. Như vậy, chúng ta có thể hy vọng vào xếp hạng của WB đối với VN trong các báo cáo tiếp theo.

PV: Theo đánh giá những tiêu thức mới và cách tiếp cận mà WB thay đổi trong phương pháp tính thuế, cụ thể sắp tới WB tính đến thủ tục hoàn thuế GTGT và thanh tra thuế cần phải đưa vào chỉ số nộp thuế của VN.

Quan điểm của ông?

Luật sư trả lời: Theo đánh giá của tôi cũng như theo nhận định của các chuyên gia thì khi WB đưa thêm tiêu thức về thủ tục hoàn thuế GTGT và thanh tra thuế vào để đánh giá chỉ số nộp thuế của VN thì có thể VN sẽ bị tụt tiếp 2 hạng nữa, thành thứ hạng 173 trên 189 quốc gia được khảo sát.

Càng đưa thêm nhiều tiêu thức thì tổng thời gian dành cho việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thuế của Doanh nghiệp càng dài hơn, cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo quan điểm của tôi thì việc WB đưa thêm tiêu thức như trên về thuế để đánh giá về môi trường kinh doanh thuận lợi của VN cũng là cần thiết. Nó sẽ tạo áp lực cho Chính phủ và ngành Thuế Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách triệt để các thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thực hiện hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, rào cản về thuế vẫn được coi là một rào cản lớn, thậm chí lớn nhất đối với thu hút đầu tư nước ngoài vào VN.