Vấn đề làm giả bằng lái xe và Giấy khám sức khỏe

0
329

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời phóng viên kênh VTC9 về vấn đề làm giả bằng lái xe và Giấy khám sức khỏe, SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn như sau:

Hiện nay, nhiều trung tâm quảng cáo trên mạng về các hình thức để thi bằng lái xe. Ví dụ như, gói 450.000đ (hỗ trợ cả lý thuyết và thực hành), đảm bảo đỗ 100%.

Ngoài ra, các trung tâm này còn làm khống giấy khám sức khỏe (tức người thi bằng không cần đến cơ sở y tế khám). Một số giấy khám sức khỏe có biểu hiện bị làm giả con dấu, chữ ký.

Câu hỏi: Việc công khai quảng cáo về các cách thức mua bán bằng như trên có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Thực tế, có hai cách thức gian dối về bằng lái xe. Hình thức thứ nhất là mua bằng giả của các cơ sở chuyên làm giả bằng và người mua sẽ có bằng lái xe trong tay mà không cần đi học, và thi theo quy định pháp luật. Hình thức thứ hai là người học lái xe đóng thêm tiền để các Trung tâm đào tạo bằng đảm bảo người học “thi kiểu gì cũng đỗ”. Đối với hình thức này, người học vẫn bắt buộc phải tới Trung tâm để học và tham gia thi.

Cách thức đóng thêm tiền để đảm bảo thi đỗ như trên là hành vi vi phạm pháp luật. Bản chất là các Trung tâm đào tạo thi bằng lái xe sửa chữa các kết quả thi sát hạch cấp bằng lái, nhằm cho những người đóng thêm tiền đủ điều kiện để được cấp bằng lái xe.

Hành vi này là hành vi vi phạm quy chế đào tạo và quy chế thi sát hạch lái xe, cấp Giấy phép lái xe sai quy định và bị xử phạt Vi phạm hành chính theo Điều 37 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động như sau:

“Điều 37. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

  1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

…..

h) Cơ sở đào tạo lái xe cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên sai quy định;

….

m) Trung tâm sát hạch lái xe không niêm yết mức thu phí sát hạch, phí các dịch vụ khác theo quy định; thu phí sát hạch, phí các dịch vụ khác trái quy định.

4.Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe thực hiện hành vi quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều này bị đình chỉ tuyển sinh 03 tháng;”

 

Câu hỏi: Các trung tâm đào tạo thi bằng lái xe sẵn sàng làm khống giấy khám sức khỏe, vi phạm luật pháp như thế nào? Bị xử lý ra sao?

Trả lời: Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định trong bộ hồ sơ của người học lái xe bắt buộc phải có Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định. Tức là, người học lái xe phải tới các cơ sở Khám chữa bệnh nơi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị do Bộ Y tế quy định và người học lái xe phải được Bác sỹ có thời gian thực tế khám chữa bệnh từ 54 tháng trở lên khám, ký tên xác nhận trong GCN sức khỏe phải thì GCN sức khỏe đó mới là hợp pháp (Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư 14/2013/TT-BYT).

Như vậy, việc các Trung tâm đào tạo thi bằng lái xe bằng hình thức nào đó để làm khống GCN sức khỏe trong hồ sơ sơ đăng ký học lái xe là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

Nếu chính Trung tâm đào tạo thi bằng lái xe thực hiện làm giả GCN sức khỏe thì sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 267 BLHS 1999 với mức phạt theo khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2 Điều 267 BLHS 1999 với yếu tố phạm tội nhiều lần và/hoặc phạm tội có tổ chức. Các cá nhân làm giả GCN sức khỏe có thể bị phạt tù từ 2 tới 5 năm. Ngoài ra, các cá nhân làm giả GCN sức khỏe còn có thể bị phạt tiền từ 5 tới 50 triệu đồng.

Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

  1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3.Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.”

Nếu Cơ sở y tế là nơi làm giả GCN sức khỏe, tức là thực tế không có việc khám bệnh nhưng vẫn có con dấu và tên bác sỹ của Cơ sở y tế khám chữa bệnh thì cá nhân thực hiện hành vi cấp GCN sức khỏe giả có thể bị truy cứu TNHS với tội danh giả mạo trong công tác theo Điều 284 BLHS 1999.

Điều 284. Tội giả mạo trong công tác

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.

b) Làm, cấp giấy tờ giả.

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”.