Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.
Như vậy, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh có thể được hiểu theo nghĩa hẹp với tư cách là một nội dung của quyền sở hữu công nghiệp. Có quy định như vậy là bởi đối tượng sở hữu công nghiệp là một yếu tổ thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại, nên đã có không ít các doanh nghiệp thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm xâm hại đến các đối tượng sở hữu công nghiệp của đối thủ để thu lợi bất chính trong kinh doanh.
Ngoài ra, tính độc quyền của quyền sở hữu công nghiệp có thể bị các doanh nghiệp sở hữu quyền lạm dụng để cản trở thương mại. Do vậy, pháp luật phải thừa nhận cho các chủ thể kinh doanh quyền chống cạnh tranh không lành mạnh như là một nội dung của quyền sở hữu công nghiệp để đối phó với các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gặp phải.
Cũng tại điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là sở hữu công nghiệp; bao gồm:
– Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
– Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ
– Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên, nếu việc sử dụng của người đại diện hoặc đại lý đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng
– Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục địch chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Có thể thấy, khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được mở rộng và làm rõ hơn so với khái niệm “chỉ dẫn gây nhầm lẫn” (một trong các dạng biểu hiện cụ thể của hành vi cạnh tranh không lành liên quan đến sở hữu trí tuệ) mà Luật Cạnh tranh đã đưa ra trước đây. Đồng thời, để bảo vệ chủ thể bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định để cho các chủ thể này có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự cũng như biện pháp hành chính theo pháp luật về cạnh tranh (Khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ).
Với mục đích bảo hộ hiệu quả thành quả sáng tạo, trí tuệ của các chủ thể kinh doanh, Nhà nước Việt Nam cho phép các chủ thể này được lựa chọn sử dụng các biện pháp thực thi bảo hộ theo cả Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về cạnh tranh khi họ gặp phải hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, khi quyền Sở hữu trí tuệ không tồn tại như một nhãn hiệu mà không đăng ký thì đương nhiên không thể áp dụng các quy định về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi nhãn hiệu này bị xâm phạm.
Trong trường hợp này, pháp luật về cạnh tranh mà cụ thể là Luật cạnh tranh và quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong Luật sở hữu trí tuệ sẽ được sử dụng để bảo vệ doanh nghiệp cũng như thành quả trí tuệ của họ chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh với lỗi cố ý từ phía đối thủ cạnh tranh liên quan đến việc chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
Còn trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập và bị xâm phạm, sở hữu của các quyền này có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh nếu hành vi vi phạm này rơi vào hai trường hợp đó.
Thậm chí, chủ thể bị xâm phạm có thể lựa chọn cả hai loại phương thức giải quyết nếu các yếu tố vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh đối với cùng một đối tượng là độc lập với nhau.
Và nếu như chỉ có chủ sở hữu của các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ mới được khiếu kiện để áp dụng các biện pháp liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thì chủ thể được quyền khiếu kiện đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh lại rất rộng nên những chủ thể có liên quan đến đối tượng khiếu kiện như bên nhận đại lý, bên nhân li xăng… cũng có thể khiếu kiện về các hành vi xâm phạm này để bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của các chủ thể kinh doanh.
Có thể thấy, đây là một sự bổ sung để lấp các lỗ hổng trong quy định của cả hai ngành luật, từ đó tạo điều kiện bảo vệ có hiệu quả hơn quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp đồng thời tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo hơn nữa các sản phẩm trí tuệ.
Tóm lại, mối quan hệ giữa chống cạnh tranh không lành mạnh và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một mối quan hệ độc lập nhưng lại khăng khít, không thể tách rời; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà xu thế kinh tế thế giới tập trung vào các giá trị trí tuệ và tài sản vô hình. Bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ để tránh cạnh tranh không lành mạnh; kiên quyết chống cạnh tranh không lành mạnh để tạo điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và kích thích sáng tạo.