Vi phạm hợp đồng và cách xử lý

0
638

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời VTV2 về các trường hợp Vi phạm hợp đồng và cách xử lý

Hiện nay có rất nhiều tranh chấp nảy sinh do việc chấm dứt hợp đồng thương mại trước thời hạn của. Thưa ông, thực trạng này có nguyên nhân từ đâu?

Trả lời:

Dạng vi phạm hợp đồng này thường được thể hiện qua các trường hợp và nguyên nhân sau:

– Không chịu thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do cho bên kia (hợp đồng chưa được bên nào thực hiện).

Trường hợp này thường xảy ra do sau khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều kiện không có khả năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi, ….

– Không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn như vay tiền sau khi nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị thua lỗ, phá sản), cố ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian dối với bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp đồng là để giải quyết một khó khăn trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho người khác…).

-Không thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng).

Trường hợp này thường xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm cách thực hiện theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có thể do một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời gian giao hàng… ngoài ra, nhiều trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp đồng (như viện cớ hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan, …) đã ký kết.

Vậy ông có thể đưa ra những lưu ý gì cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, nếu muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cần phải thực hiện như thế nào để tránh xảy ra tranh chấp cũng như thiệt hại về sau.

Trả lời:

Tại Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 có liệt kê ra những trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Cụ thể là:

  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện. Đây là trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của cá nhân đã chết, pháp nhân đã chấm dứt hoạt động. Những nghĩa vụ này không thể chuyển giao cho chủ thể khác nên bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng.
  • Hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện.
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn.
  • Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng như sau:

“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

  1. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường …”.

Vậy thủ tục để chấm dứt hợp đồng trong trường hợp đó như sau:

Thứ nhất, phải xác định bên kia có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng không hoặc các bên có thỏa thuận khác không.

Thứ hai, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải làm thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.