Vướng mắc lớn nhất khi thực thi Nghị định 08/2023

0
361

 

Những sửa đổi tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu DN được các chuyên gia đánh giá là những giải pháp tình thế, kỳ vọng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến trái phiếu DN đáo hạn năm 2023 và 2024

 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch công ty Luật TNHH SBLaw đã có bài phỏng vấn chia sẻ ,nội dung chi tiết bài phỏng vấn như sau: 

 

Câu hỏi 1: Thưa ông, chính sách liên quan tới phát hành TPDN riêng lẻ liên tục thay đổi chỉ sau một thời gian ngắn, kể từ thời điểm chính thức có hiệu lực. Đây có phải chỉ báo về sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý với sản phẩm TPDN và yếu tố nào dẫn tới thực trạng này?

 

     Sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP) được ban hàng thì thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực để thanh toán các trái phiếu đến hạn tập trung cao vào năm 2023-2024 và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, Nghị định số 65 (khoản 6 Điều 1) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

     Do tình hình thị trường có sự thay đổi đáng kể so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định số 65, việc ban hành Nghị định 08/2023 là hết sức cần thiết, điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý trong tình thế cấp bách để “gỡ khó” cho thị trường TPDN nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.

 

Câu hỏi 2: Được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, vì sao tới Nghị định 08/2023 vẫn phát sinh những vướng mắc nhất định về bất bình đẳng giữa các trái chủ, khó khăn gia hạn các trái phiếu có số nhà đầu tư lớn, yêu cầu kiểm toán định kỳ mục đích sử dụng trái phiếu, quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác?

 

   Nghị định 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ vừa ban hành nhằm giải quyết những điểm bất cập của Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành cách đây không lâu. Thị trường trái phiếu Việt Nam đã gặp phải nhiều thách thức trong thời gian qua, gây ra sự mất niềm tin cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Để có thể ổn định và phục hồi niềm tin cho thị trường, tôi cho rằng đây là một vấn đề cần rất nhiều thời gian, do đó dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng tới Nghị định 08/2023 vẫn phát sinh những vướng mắc nhất định về bất bình đẳng giữa các trái chủ, khó khăn gia hạn các trái phiếu có số nhà đầu tư lớn, yêu cầu kiểm toán định kỳ mục đích sử dụng trái phiếu, quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác là điều không tránh khỏi.

 

Câu hỏi 3: Ông cho rằng đâu là vướng mắc lớn nhất khi thực thi Nghị định 08/2023?

 

       Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực với nhiều điểm mới như: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác ngoài tiền mặt; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu. Những điểm mới này được là những giải pháp tạm thời giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 – 2024. Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư gia hạn sang năm 2025 – 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ. Song,vướng mắc lớn nhất đó là đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, cuối cùng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải thu xếp nguồn tiền, tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư

     

      Tính đến ngày 5/3/2023, đã có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Gần 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm. Những con số trên cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất lớn trong năm nay và những năm tiếp theo. Nghị định này không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những khúc mắc về tình hình tài chính của nhiều tổ chức phát hành.

 

Câu hỏi 4: Đề xuất của ông nhằm giải quyết những vướng mắc giữa nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư?

    

    Như đã phân tích ở trên, sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ có thể bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, chủ sở hữu có thêm thời gian đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Do đó, để giải quyết những vướng mắc giữa nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư như tình trạng chậm trả lãi trái phiếu như hiện nay, các tổ chức phát hành cần tận dụng thêm thời gian mà quy định pháp luật cho phép để tái cấu trúc tài chính, và có phương án hoán đổi tài sản tối ưu trả nợ cho
nhà đầu tư…

    Nghị định 08/2023/NĐ-CP cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực thanh toán đáo hạn hiện tại (giai đoạn 2023 – 2024), nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai trong 1 đến 2 năm tới đây (giai đoạn 2025 – 2026). Trong quãng thời gian đó, bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu phải điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay trong tương lai. Nếu thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó về dòng tiền, các kênh huy động vốn đều tắc thì liệu rằng trong thời gian 1 – 2 năm tới tổ chức doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chi trả đúng hạn cho các nhà đầu tư, đây hiện vẫn đang là câu hỏi chúng ta cần lưu tâm.