Ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về việc tạm dừng hoạt động karaoke

0
270

Xung quanh việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xem xét tạm dừng hoạt động karaoke, có nhiều ý kiến trái chiều. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty luật SBLAW, Hà Nội).

Theo quy định của pháp luật thì khi nào hoạt động kinh doanh Kraoke bị tạm dừng , thưa luật sư?

Tạm dừng hoạt động đối với hoạt động Karaoke là một chế tài xử lý vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm. Có nhiều trường hợp vi phạm phải áp dụng chế tài này:

  • Theo quy định của Luật Đầu tư thì Karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Khoản 9, Điều 7, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14. 9. 2015 của Chính phủ thì “Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghềđầu tư kinh doanh có điều kiện…”. Như vậy khi mà nhà hàng karaoke không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới bị tạm dừng hoạt động. (Điều kiện kinh doanh Karaoke được quy định tại Điều 30 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP  và Thông tư số 04/ 2009/ TT-BVHTTVDL, theo đó phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ;…).
  • Nhà hàng Kraoke có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng khi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 18, Nghị định Số: 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016. Sau khi thu hồi, cơ quan Công an có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở kinh doanh hoạt động đê thực hiện việc tạm dừng hoạt động .
  • Tóm lại việc tạm dừng hoạt động Karaok khi nhà hàng Kraoke đó có hành vi vi phạm nêu trên.

Sau vụ cháy quán Karaoke ở Cầu Giấy vừa qua, thông tin trên báo chí, Chủ tịch UBND t.p Hà Nội cho biết đang xem xét tạm dừng toàn bộ hoạt động Kara từ nay đến 31.12.2016. Theo luật sư, điều này có phù hợp với quy định của pháp luật?

Tôi cho rằng, trước tình hình mất an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các quán Karaoke như vừa qua thì việc UBND thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý là điều rất nên làm. Nhà hàng Karaoke nào vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy thì phải xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Nhà hàng nào vi phạm về điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự thì tậm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên nếu sử dụng biện pháp hành chính để buộc tất cả các nhà hàng tạm dừng hoạt động là khiên cưỡng. Vốn liếng của người ta bỏ ra bây giờ bị ngừng kinh doanh sẽ là thiệt hại rất lớn. Và đằng sau đó còn bao nhiêu con người mà nguồn sống của họ chỉ dựa vào việc phục vụ trong nhà hàng Karaoke.

Nhưng theo thông tin trên báo chí thì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết đã hỏi luật sư, việc tạm dừng là không trái luật? Quan điểm của luật sư về việc này?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Điều 43, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Một trong những nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch là: “Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”. Có lẽ chủ tịch UBND thành phố Hà Nội căn cứ vào quy định này để xem xét tạm dừng hoạt động Karaoke? Nhưng theo tôi nếu áp dụng quy định này vào tình hình thực tế, cụ đối với các quán Kraoke ở Hà Nội hiện nay là khiên cưỡng.

Cảm ơn luậ sư

Lê Chiên (thực hiện)