Câu hỏi: Liên quan đến việc Zalo tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone ngay cả khi người dùng chưa cho phép, đồng ý. Vậy hành vi này của Zalo có vi phạm pháp luật không? Pháp luật quy định như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng trong trường hợp này?
Hành vi của zalo là tự động lấy dữ liệu của clipboard và lưu trữ nó. Mục đích ban đầu khi xem xét qua hành vi này là chỉ nhằm tạo nên một tính năng mới thuận tiện cho người dùng để khi muốn gửi nhanh các dữ liệu đã lưu từ máy điện thoại.
Tuy nhiên, việc tự động sao chép dữ liệu này lại làm nảy sinh những mâu thuẫn và câu hỏi: Liệu nó có chỉ nhằm mục đích như trên không? Vì dữ liệu sẽ được lưu trữ trên zalo, người dùng bị lấy thông tin sẽ không thể biết được thông tin đó sẽ được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì? Không ai có thể đảm bảo chắc chắn.
Việc tự ý lấy dữ liệu của người dùng từ điện thoại khi chưa được phép là đã vi phạm Khoản 1 Điều 21 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, theo đó:
“Tổ chức, cá nhân thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Đối với trường hợp này, pháp luật đã ban hành một số văn bản để bảo vệ người dùng cụ thể tại Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về quyền lợi của người tiêu dùng như sau:
Điều 6. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
- Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:
- a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;
- b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;
- c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;
- d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Có thể thấy để được thu thập và sử dụng thông tin của người dùng, tổ chức dịch vụ phải tiến hành thực hiện theo các nguyên tắc trên. Trường hợp không tuân thủ và vi phạm quy định, người dùng có quyền tố cáo, khiếu nại và tổ chức vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cụ thể:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
– Ngoài ra nếu zalo không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin cá nhân mà còn sử dụng nó vào các mục đích khác như mua bán, cho thuê, phát tán trái phép thì sẽ bị xử phạt hành chính 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào mức độ hành vi và số tiền trục lợi. Hơn nữa, người dùng còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại đó.