Trốn thuế kinh doanh qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

0
490

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về hành vi trốn thuế kinh doanh qua mạng. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Hiện nay đang rất nóng tình trạng trốn thuế kinh doanh qua mạng, với vai trò là một luật sư, ông nhận thấy tình trạng này có nguy hại hay ảnh hưởng gì tới việc thu ngân sách Nhà nước?

Trả lời:

Hiện nay hoạt động kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng sôi động và phát triển. Do sự phát triển của Internet, nên người bán và người mua không cần gặp trực tiếp, chỉ cần nhấp chuột là giao dịch có thể được thực hiện.

Theo quy định thì cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai nộp thuế trong hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử, bao gồm: bán hàng hoá, dịch vụ qua mạng internet, mạng xã hội (Facebook) và các hình thức thương mại điện tử khác. Vì vậy, đối với kinh doanh online cũng phải khai nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề thu thuế với các loại hình kinh doanh qua mạng là để tăng cường quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc xác định thu nhập kinh doanh của người bán hàng qua mạng xã hội để làm căn cứ tính thuế từ đó đến dẫn đến hiện tượng thất thu ngân sách nhà nước một cách nghiêm trọng.

 2. Theo ông cần có những quy định hay luật như thế nào để quản lý chặt hình thức kinh doanh này? (Hiện nay đã có quy định xử phạt cho việc trốn thuế kinh doanh qua mạng chưa?)

Trả lời:

Khoản 7 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử cũng nêu rõ trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch “Thương mại điện tử” (TMĐT) là phải: “Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP đối với cá nhân, hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu thì căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sẽ có mức phí sau:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Vì thế, mọi cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh qua hình thức TMĐT buộc phải đóng thuế. Nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Các hành vi trốn thuế trong kinh doanh TMĐT hay thương mại truyền thống đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế chung. Vì vậy, việc xử phạt đối với các hành vi trốn thuế cũng được quy định chung, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ tuy nhiên, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Từ đó, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời có những hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển cũng như tình hình thực tế hoạt động của DN kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, chú ý rà soát lại các thông tư liên tịch hiện hành về trao đổi thông tin với các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại điện tử để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý thuế.

3. Ông có khuyến nghị gì cho cơ quan chức năng trong việc quản lý kinh doanh qua mạng?

Trả lời:

Theo tôi, đã đến lúc ngành thuế cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đơn vị quản lý các trang mạng xã hội để nắm danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn giúp cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế, thực hiện nhiều giải pháp khác như: gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế; …

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cần rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cố tình trốn thuế, tránh thuế.