Chia di sản thừa kế

0
683

Câu hỏi: Hiện nay nhà tôi có một mảnh đất 30m2 đã có sổ đỏ, trong sổ có ghi quyền sở hữu cả tên bố và mẹ tôi. Tuy nhiên bố tôi đã mất từ năm 2016 do tai nạn mà không để lại di chúc về thừa kế mảnh đất đó.

Theo tôi được biết thì theo luật nếu không có di chúc thì tài sản đó sẽ được thừa kế bởi ông bà nội (nếu còn sống) nhưng ông bà nội tôi đều đã mất sau bố tôi rồi và cũng không để lại di chúc. Hiện anh trai của bố tôi muốn chia di sản thừa kế là mảnh đất này. Vậy trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào?

Có cách nào giải quyết để mẹ tôi làm sổ đỏ chuyển thừa kế đứng tên tôi được không?

Luật sư tư vấn: Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

     Căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi bố bạn chết không để lại di chúc thì mẹ bạn sẽ là người quản lý mảnh đất đó; chỉ chia phần di sản nếu như có yêu cầu về chia di sản của bên nhà bố bạn.

Vì mảnh đất đứng tên chung của bố mẹ bạn và là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nên theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mảnh đất sẽ được chia đôi cho bố mẹ của bạn.

Khi bố bạn chết không để lại di chúc nên di sản là 1/2 mảnh đất thuộc sở hữu của bố bạn sẽ được chia cho người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Theo đó, ông bà bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, ông, bà bạn đã chết sau bố bạn nên phần thừa kế đó sẽ giải quyết như sau:

Tại thời điểm mở thừa kế – thời điểm bố bạn chết thì ông, bà bạn vẫn còn sống nên ông, bà bạn có quyền hưởng di sản do bố bạn để lại. Đến nay, khi các đồng thừa kế tiến hành chia di sản do bố bạn để lại thì ông, bà bạn đã chết nên không thể nhận phần di sản đó nữa. Do vậy, phần di sản mà ông, bà bạn được hưởng sẽ được chia cho các đồng thừa kế (hàng thừa thế thứ nhất được ưu tiên trước) theo pháp luật. Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên các con của ông, bà bạn sẽ được ưu tiên nhận phần di sản mà ông bà bạn được hưởng từ bố bạn.

Trong trường hợp mẹ bạn muốn làm sổ đỏ chuyển mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình cho bạn thì 2 bên sẽ lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014), trong đó mẹ bạn có thể tặng cho phần di sản mà mẹ bạn được hưởng từ bố bạn cho bạn. Sau khi công chứng văn bản thừa kế, bạn thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất mình được hưởng thừa kế tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

XÁC ĐỊNH DI SẢN THỪA KẾ
Di sản thừa kế của người để lại thừa kế là những loại tài sản khác nhau có thể nằm ở nhiều nơi khác nhau, có thể ở trong nước hoặc ở nước ngoài, di sản thừa kế còn có thể là tài sản riêng biệt độc lập, có thể là một phần trong khối tài sản chung (có thể là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản chung theo phần. Do đó cần xác định chính xác di sản thừa kế cũng như nguồn gốc hình thành, quá trình biến đổi của từng loại tài sản, nghĩa vụ của người chết để lại, công sức duy trì, phát triển tài sản của người quản lý tài sản.
Điều 612 BLDS quy định di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung với người khác.
Tài sản riêng của người chết được xác định khi người đó còn sống, có quyền sở hữu tài sản của mình một cách độc lập và tự mình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí của riêng mình mà không bị ràng buộc vào ý chí của người khác. Trong quan hệ vợ chồng, tài sản riêng của vợ hoặc chồng được xác định là tài sản có trước thời kỳ hôn nhân hoặc có trong thời kỳ hôn nhân nhưng được tặng cho riêng, thừa kế riêng, mà không sáp nhập vào tài sản chung hoặc tài sản đã được chia trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung; hoặc tài sản được thỏa thuận là tài sản riêng trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng.
Phần tài sản của người chết trong phần di sản chung với người khác được xác định như sau:
+ Đối với sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, khi vợ hoặc chồng chết trước, phần di sản của người chết trước được xác định là ½ giá trị trong tổng tài sản chung hợp nhất của vợ chồng.
+ Đối với trường hợp khi còn sống người chết đồng sở hữu chung theo phần đối với tài sản, khi người này chết thì phần quyền tài sản của người này trong khối tài sản chung là di sản thừa kế.
Di sản thừa kế có thể bao gồm các loại sau:
+ Di sản là hiện vật và tiền sẵn có của người để lại di sản trước khi chết.
+ Di sản là tài sản hình thành trong tương lai: đây là loại tài sản chưa có tại thời điểm mở thừa kế nhưng sẽ phát sinh trong quá trình sử dụng vốn, tài sản của người để lại di sản. Tài sản này sẽ được hình thành sau khi người để lại di sản chết.
+ Di sản là các quyền tài sản phát sinh từ việc Nhà nước giao các quyền tài sản, từ quan hệ hợp đồng và ngoài hợp đồng. Ví dụ: Quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ về những món tiền mà người chết đã cho vay khi con sống, quyền đòi tiền làm thuê chưa trả hết cho người chết khi còn sống, quyền đòi bồi thường thiệt hai do người khác đã gây thiệt hai cho người để lại di sản khi người đó còn sống.
+ Di sản là quyền tài sản phát sinh khi người quá cố chết và do sự kiện chết đó. Trong hợp đồng bảo hiểm tính mạng hoặc bảo hiểm nhân thọ, nếu khi lập hợp đồng không nói rõ ai là người được hưởng số tiền bảo hiểm thì khi người mua bảo hiểm chết, quyền đòi tiền bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm trả thuộc di sản thừa kế của người mua bảo hiểm và những người thừa kế theo pháp luật có quyền hưởng. Còn trong hợp đồng bảo hiểm đã xác định rõ số tiền bảo hiểm thuộc về ai thì chỉ người đó có quyền yêu cầu chi trả tiền sau khi người mua bảo hiểm chết. Hành khách đi các phương tiện vận tải có mua bảo hiểm mà xảy ra tai nạn làm cho người đó chết, thì quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm thuộc di sản của hành khách đã chết đó.
+ Di sản không bao gồm những quyền tài sản gắn với nhân thân của người để lại di sản; ví dụ: quyền được hưởng lương hưu, trợ cấp thương tật, quyền được cấp dưỡng. Các loại quyền này chỉ được nhận cho đến thời điểm người đó chết, nên nếu trước đó chưa nhận được thì được nhận cho đến thời điểm người đó chết.
Khi xác định di sản của một người cần phải căn cứ vào thời điểm mở thừa kế (tức là khi người đó chết thì để lại tài sản gì; sau đó nếu người quản lý di sản chuyển nhượng di sản thì người quản lý di sản phải chịu trách nhiệm về việc chuyển nhượng đó). Đồng thời cũng phải xem xét di sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên khoản tiền phúng viếng đám tang của người chết không được xác định là di sản thừa kế. Vì khoản tiền phúng viếng đám tang có được sau thời điểm mở thừa kế, nó không phải là di sản hình thành trong tương lai.