Quyền lợi của người lao động khi covid 19 ảnh hưởng

0
460

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã dành cho tạp chí luật sư bài trả lời phỏng vấn về quyền lợi của người lao động khi bị covid 19 ảnh hưởng.

Mời Quý vị xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:

1.Trường hợp bị cách ly do tiếp xúc với người dương tính, hoặc người xác định dương tính thì các vấn đề pháp lý liên quan của họ được giải quyết thế nào? Ví dụ, một người đang trong thời gian đi giải quyết các hợp đồng kinh tế, các vấn đề về dân sự, hình sự nhưng bị cách ly (14 ngày). Sau khi hết thời hạn cách ly các vấn đề cá nhân liên quan của họ như đã nói bị ảnh hưởng thì giải quyết thế nào?

Trả lời:

Hiện nay dịch Covid-19 do Virus Corona gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp và Nhà nước vẫn đang cố gắng hỗ trợ kịp thời nhất cho người dân, tuy nhiên có những vấn đề hiện pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể hoặc các Bộ, Ban, Ngành cũng chưa có Công văn hướng dẫn.

Đối với các trường hợp trên, khi có người bị cách ly do tiếp xúc với người dương tính hoặc đang xác định dương tính mà công việc của họ bị ảnh hưởng thì trước mắt vẫn phải dựa trên tinh thần hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh này. Việc cách ly là điều không ai muốn và tuy nói cách ly nhưng người dân vẫn có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông thường như điện thoại, máy tính, wifi, …là những công cụ giúp trao đổi thông tin và người dân có thể làm việc online.

Còn đối với những người đang vướng phải các vấn đề pháp lý liên quan đến dân sự và hình sự thì cách ly vẫn là việc bắt buộc phải thực hiện. Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý có thể được rời lại thực hiện sau.

2.Trường hợp khách hàng mua vé khứ hồi của hãng hàng không khi bay 1 chiều đi nhưng bị cách ly, thì việc giải quyết về quyền lợi (chiều về) như thế nào;

Trả lời:

Như đã đề cập phía trên, hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể trong vấn đề này. Bên cạnh đó vấn đề về việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng trong các chuyến bay cũng do từng hãng hàng không có một cơ chế xử lý khác nhau.

Nếu hãng bay chấp nhận lý do này thì khách hàng có thể được hoàn tiền chiều về 100% hoặc 1 khoản tiền nhất định, Nhà nước cũng không thể bắt buộc các hãng bay phải có cơ chế hoàn tiền cho khách hàng khi chính các doanh nghiệp này cũng đang gặp khủng hoảng tài chính trong mùa dịch. Vậy nên tùy trường hợp cụ thể mà việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng sẽ được tính ra sao.

3.Lao động được ký HĐLĐ đang thực hiện công việc nhưng bị cách ly thì quyền lợi của họ giải quyết ra sao;

Trả lời:

Đối với trường hợp người lao động bị cách ly (do thuộc trường hợp nơi ở bị cách ly hoặc bản thân mình là người bị nghi ngờ nhiễm virus corona, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm virus corona). Hết thời gian cách ly, người lao động không phát hiện bị nhiễm virus corona:

– Đối với những người lao động chưa nghỉ hết ngày phép: Sẽ tính vào thời gian nghỉ phép.

– Đối với những người lao động đã hết ngày phép: Doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ để xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do nghỉ ốm. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm xã hội vẫn đang loay hoay chưa biết hướng giải quyết đối với trường hợp này như thế nào. Vì thông thường, đối với trường hợp nghỉ ốm để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là phải có kết luận của bác sỹ, phát hiện ra bệnh. Trường hợp này không phát bệnh nên bảo hiểm xã hội chưa có cơ sở để giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động.

Đối với trường hợp cá nhân người lao động bị cách ly và sau đó phát hiện người lao động bị nhiễm virus corona: Giải quyết theo chế độ bảo hiểm xã hội dành cho nghỉ ốm.

4.Người đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc tại khu tập trung mà trốn cách ly (đã từng xảy ra) ra ngoài thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

WHO đã ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của Virus Corona. Ngoài ra bộ y tế đã bổ sung COVID- 19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Có thể thấy, đây là một dịch bệnh hết sức nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và rộng, tỉ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc trốn cách ly sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. Khoản 2 Điều 6 Nghị định này quy định, cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng. Cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

Ngoài ra, hành vi không khai báo, trốn khỏi nơi cách ly, …còn có thể xử lý về Hình Sự theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tùy theo mức độ gây thiệt hại mà có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5.Trường hợp bệnh nhân thứ 17 khám ở BV Hồng Ngọc khi có nhiều bác sỹ, nhân viên, bệnh nhân tiếp xúc với người này thì trách nhiệm của bệnh viện như thế nào. Tại cuộc họp UBND TP. Hà Nội Chủ tịch Chung khẳng định BV Hồng Ngọc làm sai quy trình, không được tiếp bệnh nhân sau 14 ngày.

Trả lời:

Khoản 6, Khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau:  Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; …

Vừa qua Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền không ngừng khuyến cáo và thông tin về việc thực hiện các công tác thăm khám khi có dịch bênh đến tất cả các cơ sở y tế từ công đến tư nhưng Bệnh viện Hồng Ngọc vẫn thực hiện không đúng quy trình. Cụ thể phát hiện ra bệnh nhân có biểu hiện nghi nhiễm Covid 19 nhưng Bệnh viện không có phương án và quy trình hợp lý khiến cho gần 20 y tá và bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân số 17. Điều này hết sức nguy hiểm vì bệnh viện là nơi có nhiều người ra vào thăm khám, khả năng lây lan lớn.

Căn cứ theo Điểm b Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt khi có vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.”

Thiết nghĩ mức xử phạt này là hợp lý để cho các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải để cao cảnh giác và trách nhiệm, tránh chủ quan trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.