Chứng cứ trong “Hồ sơ Panama”

0
302

 

Nhận lời mời của ban biên tập báo ANTĐ điện tử, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về vấn đề chứng chứ trong hồ sơ Panama, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Pv: Theo “Hồ sơ Panama” vừa được công bố, Việt Nam có gần 200 cá nhân xuất hiện trong danh sách. Đối với Việt Nam, dữ liệu vừa công bố cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài (quần đảo British Virgin thuộc Anh). Đồng thời cũng nêu ra danh sách 185 địa chỉ tại Việt Nam và 189 cá nhân có liên quan tới Việt Nam. Trong đó có nhiều tên tiếng Việt và một số tên người nước ngoài.

Khi được hỏi một số cá nhân trong danh sách này khẳng định họ không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế. Việc mở tài khoản tại nước ngoài liên quan đến hoạt đồng đầu tư ra nước ngoài đã được cấp phép.

Trước sự việc trên, Báo ANTĐ cần làm rõ thêm một số nội dung:

 Câu hỏi: Những quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là quy định về chống rửa tiền…

Trả lời:

Thứ nhất: Theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật ngân hàng thì một tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân (sau đây gọi là nhà đầu tư) hoàn toàn có quyền đầu tư ra nước ngoài, kể cả đầu tư ở các thiên đường thuế nếu doanh nghiệp và tổ chức đó tuân thủ các điều kiện và quy trình sau:

Bước 1: Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư và xin Cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ kế hoạch và đầu tư.

Bước 2: Khi đã có Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ liên hệ với Ngân hàng nhà nước để xin Giấy phép mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, khi có Giấy phép này thì nhà đầu tư sẽ liên hệ với một ngân hàng thương mại tại Việt Nam để mở tài khoản này, mục đích của việc này là giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát nguồn ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bước 3: Sau khi tiến hành các thủ tục nêu trên thì nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hơp pháp và cũng có thể thu lợi nhuận về Việt Nam.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, việc đầu tư ra nước ngoài được quản lý tương đối chặt chẽ và phù hợp với các tập quán đầu tư quốc tế.

Trong hồ sơ Panama rò rỉ ra, chúng ta thấy có một số nhà đầu tư Việt Nam bị nêu tên, tuy nhiên, chúng ta chưa thể kết luận là những nhà đầu tư này đầu tư ra nước ngoài là phạm pháp.

Nếu các nhà đầu tư nêu trên tuân thủ các quy định về pháp luật đầu tư và pháp luật ngoại hối như đã nêu trên thì việc đầu tư là hoàn toàn hợp pháp và nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát.

Còn nếu nhà đầu tư không tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư mà không xin Giấy chứng nhận đầu tư, không mở tài khoản vốn đầu tư, việc chuyển vốn ra nước ngoài và lợi nhuận về Việt Nam hoàn toàn dưới hình thức bất hợp pháp thì các nhà đầu tư này mới vi phạm pháp luật.

Thứ hai: Việt Nam hiện nay đã ban hành Luật về phòng chống rửa tiền ngày 18/06/2012 và Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống rửa tiền.

Hai văn bản này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Luật này cũng quy định các biện pháp xử lý hành vi rửa tiền theo biện pháp hành chính và hình sự.

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, cụ thể là theo quy định tại điều 251 Bộ luật hình sư 1999, sửa đổi và bổ sung năm 2009 thì hành vi rửa tiền được quy định như sau:

Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có

  1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị  phạt tù từ một năm đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
  3. a) Có tổ chức;
  4. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  5. c) Phạm tội nhiều lần.
  6. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
  7. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nói chung, Việt Nam hiện nay đã có hành lang pháp lý cho việc chống lại hành vi rửa tiền, tuy nhiên, đối với hồ sơ Panama, để chứng minh được có hành vi rửa tiền hay không là một điều rất khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và có sự hợp tác quốc tế.

Câu hỏi: Theo Điều 64 BLTTHS: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Như vậy, những thông tin tài liệu được công bố trên mạng như “Hồ sơ    Panama” có được coi là chứng cứ không ? Điểm khác nhau giữa các tài liệu này và chứng cứ trong BLTTHS?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, Hồ sơ Panama chỉ được coi là một trong những nguồn thông tin tham khảo để hình thành lên chứng cứ.

Thứ nhất, thông tin trong hồ sơ Panama là thông tin được lấy từ cơ sở dữ liệu của một công ty luật và được một liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế công bố, đây không phải là một tổ chức quốc tế có uy tín.

Thứ hai, chúng ta thực sự vẫn chưa rõ về mục đích thực sự của việc công bố những tài liệu này và cũng chưa có một cơ quan độc lập nào, ví dụ một toà án quốc tế của Liên hợp quốc kiểm chứng các tài liệu này có chính xác không, có bị sửa chữa, cắt xét gì không?

Thứ ba, việc tổ chức này truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu của công ty luật để lấy dữ liệu có được xem là hợp pháp hay không?

Từ những lập luận trên, tôi cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam như cơ quan công an, thuế, ngân hang nhà nước và các cơ quan chức năng khác nên thu thập các dữ liệu này, tiến hành thêm các hoạt động hợp tác quốc tế để tiến hành thẩm định tính chính xác của các dữ liệu, kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ điều tra trong và ngoài nước và tổng hợp, mới hình thành nên chứng cứ.

Đây là một công việc khó khăn và mất nhiều thời gian vì nó lien quan tới nhiều giao dịch ở nước ngoài.

Câu hỏi: Những cá nhân có tên trong “hồ sơ Panama” có bị coi là vi phạm pháp luật không? Giao dịch cá nhân nằm trong danh sách có hợp pháp không? Pháp luật Việt Nam có quy định gì về vấn đề này? Cách thức xử lý?

Trả lời: Như tôi đã phân tích ở trên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong đó có việc đầu tư ra các thiên đường thuế là được pháp luật Việt Nam cho phép. Và nếu các nhà đầu tư này, gồm cả các cá nhân và tổ chức Việt Nam tuân thủ pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, quy định về chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Nếu có chứng cứ chứng minh ngược lại, ví dụ như việc đầu tư ra nước ngoài là không tuân thủ các quy định nêu trên thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật, tuy theo mức độ sai phạm mà các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các chế tài hành chính và hình sự nếu cần thiết.

Ví dụ như hành vi đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền, hợp pháp hoá những khoản tiền do phạm tội tại Việt Nam mà có, sau đó chuyển số tiền này ra các công ty ở thiên đường thuế rồi dùng chính pháp nhân này đầu tư ngược lại Việt Nam hoặc đầu tư tại các quốc gia khác thì rõ rang đây là hành vi phạm tội và sẽ chịu các chế tài theo quy định của Luật phòng chống rửa tiền và luật hình sự Việt Nam.

Một ví dụ khác đó hành vi trốn thuế, ví dụ như theo quy định hiện hành, một cá nhân phát sinh thu nhập ở trong và ngoài nước, phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, cá nhân này đã không kê khai khoản thu nhập ở nước ngoài với mục đích trốn thuế thì cũng có thể xử phạt về hành vi trốn thuế.