Có nên huỷ bỏ điều 292 Bộ luật hình sự 2015?

0
407

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà với phóng viên trang Người đưa tin, mời các bạn xem nội dung tại đây:

Câu hỏi: Bàn bạc về điều 292 Bộ luật hình sự (BLHS), có giả định cho rằng: theo đúng luật thì nếu Mark Zuckerberg – ông chủ mạng xã hội Facebook quay trở lại Việt Nam sẽ bị bắt và bị tịch thu toàn bộ tài sản (khoảng 40 tỉ USD).

Anh có ý kiến gì về việc này? Và theo anh nếu áp dụng đúng theo điều luật 292 của Việt Nam Mark có phải là một người kinh doanh trái phép, phạm luật và cần chịu những mức phạt như đã quy định, bao gồm cả việc dừng cung cấp dịch vụ Facebook tại thị trường Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là theo quy định tại Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng Internet thì các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.

Như vậy là Facebook là một mạng xã hội và có ông chủ là Mark, có hoạt động tại Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật tại Việt Nam.

Nghị định nêu trên cũng quy định là Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, tuy nhiên, hiện tại, theo cập nhật của tôi, hiện tại Bộ TTTT chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Nghị định trên cũng quy định nghĩ vụ của doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội là phải có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nếu đối chiếu với các quy định nêu trên thì hiện nay, Facebook chưa đáp ứng các điều kiện để có thể kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ví dụ như chưa có Giấy phép cung cấp mạng xã hội và cũng theo tôi được biết thì họ cũng không có đặt máy chủ tại Việt Nam.

Trở lại Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015 có quy định là khi cung cấp trò chơi điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử thì cần phải có giấy phép mới được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, hiện tại, với nền tảng của Facebook, họ cung cấp cả trò chơi điện tử, cả sàn thương mại điện tử, nếu chiểu theo quy định tại Điều 292 thì Facebook có thể vi phạm pháp luật Việt Nam.

Câu hỏi: Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam, từ 1/7 sau khi áp dụng điều 292 BLHS sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các bạn. Vậy anh có thể giúp mọi người rõ hơn điều luật này sẽ có những tác động như thế nào đến các start up Việt?

Trả lời: Các tác động mà có thể dễ nhận thấy đó là điều khoản này sẽ tác động đến tâm lý của các bạn khởi nghiệp, tâm lý là lo sợ là mình cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin mà có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính là có thể vướng vào trách nhiệm hình sự.

Có một thực tế của các bạn khởi nghiệp là khi có ý tưởng, các bạn thường làm với tư cách cá nhân, chưa thành lập doanh nghiệp, với ý định là thử nghiệm, khi thành công ở một mức độ nhất định rồi hoặc nhận thấy thị trường tiềm năng thì mới tiến hành lập doanh nghiệp và xin giấy phép.

Theo luật Việt Nam, để xin giấy phép về trung gian thanh toán, giấy phép cung cấp trò chơi trực tuyến, giấy phép thiết lập trang tin điện tử và mạng xã hội, đăng ký sàn thương mại điện tử với Bộ công thương thì bắt buộc là đơn vị xin phép là tổ chức và doanh nghiệp, còn cá nhân thì không được.

Bên cạnh đó, thủ tục để xin phép cũng không phải là điều đơn giản, ví dụ để có giấy phép trung gian thanh toán, doanh nghiệp phải có số vốn tối thiểu là 50 tỷ đồng.

Vì vậy, nếu các cá nhân, chưa thành lập doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ nêu trên, với ở mức thử nghiệm thì không thể xin được giấy phép, mà nếu ở thử nghiệm, nếu thu lợi bất chính là 50 triệu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là một thực tế mà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp Start up hiện nay.

Câu hỏi:  Để tránh lâm vào trường hợp như Hà Đông – cha đẻ trò chơi Flappy bird,các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần trang bị cho mình những gì, giúp vừa phát triển kinh doanh mà không phạm luật?

Trả lời: Các bạn khi khởi nghiệm, rất cần các mentor (người cố vấn, người huấn luyện) trong cách lĩnh vực trong đó có lĩnh vực pháp lý.

Các luật sư là các mentor sẽ nghiên cứu mô hình kinh doanh của các bạn, sẽ tư vấn là các bạn nên làm thế nào, nên xin giấy phép ở đâu để kinh doanh đúng luật.

Bên cạnh đó, các mentor cũng sẽ cảnh báo các rủi ro pháp lý mà các bạn khởi nghiệm có thể gặp phải nếu kinh doanh không phép, không đóng thuế và phớt lờ các nghĩa vụ với nhà nước.

Lời khuyên với các bạn là cần quan tâm tới yếu tố pháp lý của dự án của mình trước khi đưa ra thị trường và có doanh thu, lợi nhuận.

Câu hỏi:  Hiện tại đang kiến nghị hủy bỏ điều luật 292 BLHS, vì cho rằng luật này sẽ “bóp nghẹt start up trẻ Việt Nam”. Vậy theo anh, có nên hủy bỏ điều luật 292 hay vẫn tiếp tục áp dụng điều luật mới cho hình thức cung cấp dịch vụ kinh doanh trên mạng?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, Quốc hội khoá mới nên xem xét huỷ bỏ điều 292 Bộ luật hình sự để tạo tâm lý yên tâm cho cộng đồng start up Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu tại thời điểm luật có hiệu lực, từ 1/7/2016, nếu quốc hội chưa kịp xem xét điều luật thì tôi cũng kính mong các cơ quan chức năng khi xem xét các vụ việc liên quan tới điều 292 thì rất cần sự thận trọng và cố gắng thể hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mà Chính phủ mới đang tích cực ủng hộ.