Cơ quan nào có thẩm quyền quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh?

0
2148

Điều 57 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước năm 2005 có tới 300 loại giấy phép và tương tự như giấy phép đang là rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân. Để ngăn chặn tình trạng ban hành giấy phép tràn lan bất hợp lý, Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định tại Khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp như sau: “Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước”. Quy định này nhằm tạo khung pháp lý, giao nhiệm vụ cho Chính phủ phải thường xuyên giám sát và thay đổi kịp thời theo yêu cầu quản lý nhà nước trong lộ trình hội nhập.

Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân,khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định như sau: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Quy định này nhằm ngăn cấm các Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp không được ban hành các loại giấy phép hoặc các điều kiện kinh doanh.

Theo Điều 2 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì ngoài Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, còn có các chủ thể khác sau đây có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Quốc hội (Luật, Nghị quyết), Ủy ban thường vụ Quốc hội (Pháp lệnh, Nghị quyết), Chủ tịch nước (Lệnh, Quyết định), Chính phủ (Nghị định), Thủ tướng Chính phủ (Quyết định), Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Thông tư), Tổng Kiểm toán nhà nước (Quyết định), Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội (Nghị quyết liên tịch). Đối chiếu với Khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005, các chủ thể kể trên không bị cấm ban hành về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, Nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP như sau: Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật chuyên ngành).

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP còn quy định: “Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 Điều này đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2008”.

Khoản 5 Điều 7 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định:

“Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, Nghị định 139/2007/NĐ-CP và Nghị định 43/2010/NĐ-CP đã “hạn chế” hình thức văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Theo Điều 2 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Quốc hội ban hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh, Nghị quyết. Còn xét theo Nghị định 139/2007/NĐ-CP thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh chỉ được quy định tại Luật do Quốc hội ban hành và Pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành. Như vậy, Nghị định 139/2007/NĐ-CP đã loại bỏ khả năng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trên thực tế, nếu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản này thì vẫn phải áp dụng và thi hành.

Ngoài ra, Nghị định 139/2007/NĐ-CP và Nghị định 43/2010/NĐ-CP còn loại bỏ khả năng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được ban hành bởi các văn bản quy phạm pháp luật sau: Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Và giả sử các văn bản này có quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thì vẫn phải thi hành. Không thể viện dẫn Nghị định 139/2007/NĐ-CP để từ chối áp dụng.

Như vậy, có thể đặt ra vấn đề sau đây: Các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trừ Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp) đều có quyền ban hành về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Loại văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh có thể khác với các loại văn bản được liệt kê tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP và khoản 5 Điều 7 Nghị định 43/2010/NĐ-CP.

 Theo Luật gia:Cao Bá Khoát và luật sư: Trần Hữu Huỳnh.