Đất chưa có sổ đỏ chia thừa kế như thế nào?

0
511

Câu hỏi:  Bố mình mất để lại 1 phần đất vườn chưa cấp sổ nhưng đã đo đạc và có tên hồ sơ ở huyện rồi. Giờ bố mình mất mình muốn sang tên mình nhưng phải cần chữ ký của cô chú trong gia đình, nhưng nếu họ không ký thì mình có làm được không? Đất của ông nội để lại nhưng ông nội cũng chưa có sổ đỏ.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Do bạn không nói rõ rằng khi ông bạn mất có để lại di chúc rằng để lại phần đất đó cho bố bạn không nên do đó trong trường hợp này tôi xin đưa ra hai trường hợp đó là:

Thứ nhất, ông bạn mất có để lại di chúc cho bố bạn phần đất vườn đó, cụ thể như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, do đó nếu trong di chúc của ông bạn trước khi chết có ghi để lại phần đất này cho bố bạn thì phần đất này thuộc về bố bạn và bên cạnh đó khi bố bạn mất cũng để lại di chúc phần đất này cho bạn thì bạn hoàn toàn có quyền sang tên xin cấp sổ đỏ cho phần đất này mà không cần xin chữ ký đồng ý của cô chú bạn.

Thứ hai, ông bạn mất không để lại di chúc

Theo quy định của pháp luật cụ thể tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu như người mất mà không để lại di chúc thì sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Như vậy, trong trường hợp này bố bạn và các cô, chú thuộc hàng thừa kế thứ nhất do đó phần đất này sẽ được chia đều cho bố bạn và các cô, chú. Nên trong trường hợp này nếu như bạn muốn sang tên phần đất này cho bạn thì cần phải có chữ ký đồng ý của cô chú bạn rằng cô chú bạn từ chối nhận di sản, nếu như cô chú bạn không đồng ý thì bạn không được sang tên phần đất này sang cho mình.