Hậu quả của việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền?

0
721

Câu hỏi: Cổ đông của một công ty cổ phần kiêm luôn chức danh tổng giám đốc. Ông có kí một hợp đồng với công ty khác do con gái ông làm chủ mà không thông qua đại hội đồng cổ đông vậy hợp đồng có hiệu lực hay không?

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, cần phải xem xét tổng giám đốc có phải người đại diện theo pháp luật của công ty hay không?

Theo Khoản 1 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, người đai diện theo pháp luật là người có thẩm quyền thực hiện giao kết hợp đồng của công ty. Nếu những người khác muốn ký kết hợp đồng thì phải có giấy uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật (Khoản 3 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014) trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Trường hợp tổng giám đốc không phải người đại diện theo pháp luật của công ty và không có giấy uỷ quyền thì hợp đồng vô hiệu

Thứ hai, nếu tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty thì phải căn cứ vào giá trị và nội dung hợp đồng người đó ký kết với công ty khác. Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

“2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

4. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty; người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”.

Trường hợp giá trị hợp đồng nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty thì không cần thông qua đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, nếu hợp đồng khác với trường hợp trên thì phải thông qua đại hội đồng cổ đông. Nếu vi phạm thì hợp đồng bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật.