Hệ lụy từ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi và những vấn đề Pháp lý liên quan

0
556

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH đã phân tích trong Chương trình Bạn và Pháp luật về Hệ lụy từ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi và những vấn đề Pháp lý liên quan. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa luật sư, Theo quy đinh của Pháp luật thì Kết hôn trái pháp luật được hiểu như thế nào? Và những hành vi như thế nào là Kết hôn trái pháp luật?

Trả lời:

Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Dẫn chiếu đến Điều 8 Luật này thì:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này …”.

Như vậy, theo quy định trên những hành vi sau được coi là kết hôn trái pháp luật:

  • Kết hôn khi một trong hai bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi theo Luật định;
  • Việc kết hôn do bị ép buộc;
  • Một trong hai bên hoặc cả hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự
  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Câu 2: Một trong những hành vi của Kết hôn trái pháp luật là kết hôn khi chưa đủ tuổi theo Luật định. Trên thực tế trong thời gian qua rất nhiều những câu chuyện bi – hài như vợ kiện chồng, cha mẹ vợ kiện con rể …. Các trường hợp này đều có một điểm chung đó là xuất phát từ việc kết hôn trái pháp luật khi chưa đủ tuổi theo quy định. Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng này trong thời gian qua?

Trả lời:

Những năm gần đây, nạn tảo hôn (kết hôn khi chưa đủ tuổi) vẫn còn tồn tại, có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Câu 3: Vậy nguyên nhân từ đâu mà tình trạng này lại diễn ra phổ biến trong một thời gian dài như vậy?

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của phong tục tập quán của địa phương

Phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay và ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm.

Thứ hai, do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế

Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định về phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng đối với vùng dân tộc thiểu số vẫn đang gặp phải các thách thức lớn về chất lượng giáo dục.
Thực tế cho thấy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ dân trí thấp, nhận thức và ý thức pháp luật còn nhiều hạn chế đã tác động làm gia tăng tình trạng tảo hôn.

Thứ ba, công tác tuyên truyền còn bất cập, hạn chế và hiệu quả chưa cao

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm, nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về chế độ hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cũng như các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.

Câu 4: Có nhiều ý kiến cho rằng, luật hôn nhân và gia đình hiện nay còn nhiều thiếu sót và bất cập, đặc biệt là trong việc quy định độ tuổi nói chung và độ tuổi kết hôn nói riêng. Nhận định của luật sư về vấn đề này ra sao?

Trả lời:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Tôi nghĩ quy định này hoàn toàn thống nhất với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và phù hợp với thực tế.

Câu 5: Vậy trong Luật Hôn nhân gia đình hiện nay thì điều kiện để được kết hôn là như thế nào và độ tuổi kết hôn được quy định cụ thể ra sao?

Trả lời:

Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Dẫn chiếu đến điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này:

“2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”.

Câu 6: Liên quan đến nội dung này, chúng tôi có nhận được thắc mắc của thính giả tên Lê Văn Nam ở Hưng Yên với nội dung như sau: Em trai tôi năm chưa đủ 16 được sự đồng  ý của hai bên gia đình đã kết hôn với một người con gái cùng tuổi (chưa đủ 16 tuổi) nhưng theo giấy khai sinh thì chưa đủ 15 tuổi và sinh được 1 bé gái. Nay hai người đủ tuổi kết hôn và đã làm xong giấy chứng nhận kết hôn rồi. Những lúc gần đây hai người có xẩy ra xích mích, em Dâu tôi có y định kiện em trai tôi ra tòa về tội giao cấu trẻ em dưới 16 tuổi. Vậy tôi xin hỏi em Dâu Tôi làm vậy có đúng ko? Nếu em Dâu tôi đi kiện thì em trai tôi có bị kết án ko? Nếu có thì thời gian là bao lâu?

Vâng, xin mời luật sư giải đáp thắc mắc của anh Nam

Trả lời:

Vâng, với câu hỏi của anh Nam, Điều 145 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:

“1.  Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm …”.

Dấu hiệu về chủ thể phạm tội của tội này là người đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.  Trong trường hợp trên em trai bạn và bạn gái dưới 16 tuổi. Do đó theo quy định của pháp luật, hành vi của em trai bạn không cấu thành tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu 7: Tiếp theo là câu hỏi của một thính giả xin được dấu tên ở Hải Dương với nội dung như sau: Con tôi có quen và yêu một thanh niên 21 tuổi cùng xóm nay lỡ có bầu được 4 tháng. Hiện con gái tôi chưa đủ 16 tuổi. Nếu tôi tổ chức cho hai đứa kết hôn thì có phạm luật không? Trong trường hợp gia đình tôi khởi kiện thì chàng thanh niên kia sẽ phải chịu mức án như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Trong trường hợp của bạn, con gái bạn dưới 16 tuổi – chưa đủ tuổi kết hôn, nếu bạn tổ chức kết hôn cho con bạn và người thanh niên kia thì bạn đã vi phạm pháp luật.

Thứ hai, Nếu gia đình bạn khởi kiện thì chàng thanh niên kia sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể:

“Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh”.

Theo như bạn trình bày thì con gái bạn hiện đang mang thai 04 tháng, do đó chàng thanh niên kia có thể chịu mức án phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Câu 8: Vậy chế tài xử lý với hành vi tổ chức việc kết hôn chưa đến tuổi kết hôn được quy định như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi mà chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt hành chỉnh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.”

Hành vi tổ chức kết hôn cho người chưa đủ điều kiện về tuổi kết hôn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Nếu cố tình tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015:

“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

Câu 9: Chúng tôi có nhận được câu hỏi của một thính giả, thắc mắc về việc bạn này 22 tuổi và bạn gái của bạn 16 tuổi nhưng họ không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì có phải là kết hôn trái pháp luật hay không?

Trả lời:

Nếu hai bạn không đăng ký kết hôn thì đây sẽ không phải là hành vi kết hôn trái pháp luật. Mà đây là hành vi tảo hôn.

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”.

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm các hành vi sau:

“2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; …”.

Theo đó, theo tôi hai bạn nên chờ cả hai đủ tuổi rồi kết hôn và đăng ký kết hôn.

Câu 10: Vậy trong trường hợp cả người vợ và người chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn, nghĩa là kết hôn trái phap luật thì đứa con do cặp vợ chồng này sinh ra sẽ như thế nào? Liệu cháu bé có được hưởng đầy đủ các quyền lợi như những trẻ em bình thường khác không, thưa luật sư?

Trả lời:

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì quyền lợi của con cái sẽ được giải quyết tương tự trường hợp cha mẹ ly hôn. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của hai bên để giải quyết.

Như vậy, theo quy định của Pháp luật Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con không phụ thuộc vào hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không. Tuy hai người kết hôn trái pháp luật và không được công nhận là vợ chồng nhưng vẫn là cha, mẹ của con chung.