Về bản chất pháp lý thì chi nhánh và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có địa vị pháp lý hoàn toàn khác nhau.
Chi nhánh chỉ là một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp; có nhiệm vụ thực hiện một hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, chi nhánh không phải là tổ chức độc lập; doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các chi nhánh của mình và ngược lại. Khi doanh nghiệp giải thể hay phá sản thì chi nhánh cũng chấm dứt hoạt động.
Ngược lại, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được thành lập trở thành một pháp nhân độc lập. Ngành nghề kinh doanh không phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chủ sở hữu. Rủi ro mà doanh nghiệp chủ sở hữu phải chịu chỉ giới hạn trong phạm vi vốn điều lệ đã cấp cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên này thôi. Đó chính là cơ chế phân tán rủi ro cho doanh nghiệp chủ sở hữu.
Trong trường hợp giữa công ty mẹ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thường xuyên có quan hệ xuất, nhập hàng hoá thì không nên lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vì khi đó sẽ phát sinh thuế chồng thuế, làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp. Trong trường hợp này việc thành lập chi nhánh sẽ có lợi hơn.
Tuy nhiên, việc thành lập hay giải thể chi nhánh đơn giản hơn so với việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Cuối cùng, về mặt lý thuyết, khó có thể kết luận lập chi nhánh tốt hơn hay lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tốt hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu và chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư.
Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.