Lừa đảo qua điện thoại yêu cầu trả nợ, người dân cần làm gì?

0
782

Trong thời gian gần dây, không ít các vụ lừa đảo qua điện thoại yêu cầu trả khoản nợ mà đối tượng giả danh cơ quan, bảo hiểm, … nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Kênh truyền hình Kinh tế tài chính SCTV8/VITV đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law về vấn đề này dưới góc độ pháp lý. 

1, Gần đây xuất hiện trở lại tình trạng các đối tượng lừa đảo gọi điện yêu cầu trả các khoản nợ. Hơn nữa, các đối tượng này còn tìm được thông tin về công ty, mã số thuế, bảo hiểm, thông tin lãnh đạo cơ quan, người thân, bạn bè để gọi điện, nhắn tin qua mạng xã hội,… để đe dọa, làm phiền. Từ góc độ pháp lý, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Những hành vi lừa đảo qua điện thoại như hiện nay đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hậu quả và số tiền chiếm đoạt mà chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự. 

Đối với trường hợp mà số tiền lừa đảo được ở mức thấp (dưới 2 triệu đồng) và vi phạm lần đầu thì có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, Điều 15 Nghị định này quy định:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác (Khoản 1)
  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản (Khoản 2)

Trong trường hợp người vi phạm đã có tiền án, tiền sự về các vi phạm tương tự trong quá khứ mà nay lại tái phạm hoặc số tiền lừa đảo chiếm đoạt lớn thì có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2, Trong trường hợp này, nạn nhân có thể tìm đến cơ quan pháp luật vào cuộc hay không?

Trả lời:

Khi bị các đối tượng lừa đảo, đe dọa, làm phiền,  người dân có thể báo ngay đến cơ quan công an ở địa phương để điều tra, xác định chủ thể lừa đảo. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý rằng để xác định được các đối tượng lừa đảo này cũng không dễ do chủ yếu dùng sim rác để gọi điện đe dọa, làm phiền. Do đó, trước hết, mọi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn tương tự.

3, Nhiều nạn nhân phản ánh đã trình báo lên cơ quan pháp luật nhưng rất lâu được giải quyết do tổn thất nhỏ hoặc chưa hình thành tổn thất cụ thể về vật chất,… Ông có lời khuyên gì cho các nạn nhân trong trường hợp này?

Trả lời:

Hiện nay, việc xác minh, điều tra các vụ lừa đảo qua mạng của các cơ quan có thẩm quyền là khó khăn, chính vì vậy, người dân cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, cụ thể là bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ tài sản, tiền bạc của mình trước các cuộc gọi:

(i) Không cung cấp thông tin cá nhân của mình qua điện thoại dưới bất cứ hình thức nào, bao gồm: số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân mặc dù không để lại hậu quả trực tiếp nhưng có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng sau này. Người dân cần lưu ý những cuộc điện thoại gửi hàng, điện thoại của cơ quan chức năng, gọi điện thu tiền điện nước, … với mục đích nói chuyện và dò hỏi thông tin. 

(ii) Hoàn toàn cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền, đưa tài khoản ngân hàng, tất cả những vấn đề liên quan đến tiền bạc được gọi đến từ một số máy lạ mà người dân không biết chắc chắn nhân thân, lai lịch. Rất nhiều đối tượng đã mạo danh công an, cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng, … để gọi đến cho người dân bịa chuyện, ví dụ như gọi kêu cứu chuyển tiền về người mình quen biết, người thân gặp nạn; đe doạ, uy hiếp … Trong những trường hợp như vậy, người dân nếu cảm thấy quá lo lắng thì ít nhất cũng cần phải tự mình xác minh thông tin trước khi làm bất cứ điều gì.

Người dân cũng hết sức lưu ý rằng, đối với cơ quan chức năng, khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan chức năng muốn làm việc; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Nguồn ảnh: Vnexpress