Hạ lãi suất 0% liệu có đẩy dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản?

0
484

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Kinh tế tài chính SCTV8/VITV về đề xuất hạ lãi xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho người dân vay mua nhà ở trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài. Sau đây, SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn như sau: 

1, Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã đề xuất hạ lãi suất tiền gửi về mức 0% để giúp lãi suất vay giảm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho người dân có cơ hội vay mua nhà ở cố định,.. Ông/bà có nhận định gì về vấn đề này? Liệu có khả thi với bối cảnh nước ta hay không?

Trả lời:

Đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 – 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản. Trong khi, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. 

Việc đưa lãi suất tiền gửi về 0%, các ngân hàng sẽ gặp vấn đề về thanh khoản khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Khi đó, sẽ cần phải có bàn tay trợ giúp của ngân hàng nhà nước để tiếp thêm thanh khoản, nếu không sẽ xảy ra khủng hoảng, biến động tài chính lớn.

2, Có ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất về 0% sẽ khiến cho người dân chuyển hướng dòng tiền sang những lĩnh vực đầu tư sinh lời như chứng khoán bất động sản,… bởi tâm lý của đa số người dân vẫn coi gửi tiền NH là một kênh đầu tư sinh lời. Ông/bà có nhận xét gì về điều này?

Trả lời:

Khi lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, DN sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… vừa rủi ro hơn lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Thực tế trong 5,5 tháng đầu năm nay đã diễn ra như vậy; tiền gửi ngân hàng chỉ tăng khoảng 3%, tín dụng tăng 5%, trong khi dòng tiền cá nhân đổ vào chứng khoán, bất động sản… cao hơn nhiều.

Như vậy, hệ thống tài chính – tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm. Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay.

3, Đề xuất của ông/bà về vấn đề này?

Trả lời:

Mục đích chính của chính sách cốt là để giúp lãi suất vay giảm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho người dân có cơ hội vay mua nhà ở cố định. Tuy nhiên việc áp dụng chính sách không hề tính toán đến những yếu tố khác trong một bức tranh toàn cảnh về chính sách trong tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay như cấu trúc dân số Việt Nam, xu hướng tâm lý chung của người Việt Nam, nền tảng kinh tế, xã hội … nên không hề giải quyết được mục đích nó đặt ra cũng như gây ra những biến động không cần thiết đối với nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, thiết nghĩ, chúng ta không nên việc áp dụng chính sách này. 

Nguồn hình ảnh: Kinh tế đô thị